Sở muốn 'độc quyền' giáo dục ngoại khóa?

13/10/2017 - 09:28

PNO - Mỗi chuyến học tập trải nghiệm sáng tạo ngoài nhà trường của hàng chục ngàn học sinh THCS và THPT đang được “hét” giá khá “chát”. Sự bất cập này bắt nguồn từ việc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM “ưa chuộng” một đơn vị lữ hành.

“Chát” với học ngoại khóa

Ngày 3/10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM ra thông báo về thực hiện các chương trình “Tiết học ngoài nhà trường” năm học 2017-2018. Trong văn bản này, sở giới thiệu ba “tour” học tập trải nghiệm cho học sinh (HS) bậc trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) toàn thành phố để các trường đăng ký, gồm “Tiết học ngoài nhà trường” tại Thảo Cầm Viên, học trải nghiệm “Nhà kinh doanh nông nghiệp” tại H.Hóc Môn và tỉnh Long An, học tập trải nghiệm “Nông nghiệp 4.0” tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao ở H.Củ Chi, TP.HCM. 

So muon 'doc quyen' giao duc ngoai khoa?
HS Trường THPT Ngô Thời Nhiệm tham gia ngoại khóa tại Khu Nông nghiệp Công Công nghệ cao tại Hóc Môn

Học phí của các tour này chưa được công bố, nhưng theo giá của năm học trước thì tour Thảo Cầm Viên là 105.000 đồng/HS (không đưa đón) và 175.000 đồng/HS (có xe đưa đón, nước uống và ăn nhẹ).

Hiệu trưởng một trường THPT chìa bảng giá của năm trước cho chúng tôi và lắc đầu: “Việc tổ chức HS, chia thành từng nhóm, hướng dẫn nội dung… đều do giáo viên (GV) của trường thực hiện chính, nhưng chi phí như thế là không hề rẻ”. 

Hiệu trưởng một trường THCS từng nhiều lần đưa HS đi học tập dã ngoại nhận xét: “Nếu tổ chức đi Khu du lịch Thủy Châu (tỉnh Đồng Nai) và Đền Hùng (Q.9, TP.HCM) nguyên ngày, cả vé vào cổng (80.000 đồng/vé) và cơm trưa chỉ mất 250.000 đồng thì 175.000 đồng cho chuyến học tập một buổi tại Thảo Cầm Viên là đắt. Vì thế, trường tham gia với chương trình của sở nhưng tự tổ chức xe đưa đón để tiết kiệm chi phí”. 

Cô H. - GV bậc THCS tại Q.Tân Phú - so sánh: “Nếu GV tự dẫn HS đi Thảo Cầm Viên và tự tổ chức các hoạt động học tập thì mỗi HS chỉ tốn 50.000 đồng tiền vé vào cổng, nhưng nếu đi theo chương trình của sở thì chi phí cao gấp đôi hoặc gấp ba. Vì giá cao nên nhiều phụ huynh đã không đăng ký cho con đi”.

Chúng tôi tìm đến một trường THCS tại Q.1 chọn cách để GV các tổ chuyên môn tự xây dựng nội dung, yêu cầu cho “tiết học sáng tạo” của một môn học (hoặc liên môn), sau đó nhà trường xem xét, bổ sung hoàn chỉnh rồi mới thực hiện. Hiệu trưởng trường này cho rằng, nhà trường đã tự làm rất nhiều “tiết học trải nghiệm sáng tạo” mà không cần hợp tác với đơn vị bên ngoài. Trường chọn bảo tàng, công viên, đường sách, bưu điện trung tâm, Bến Nhà Rồng… là những nơi gần, ít di chuyển và không gây tốn kém cho người học.

 Có cần thiết phải tìm một đơn vị trung gian đứng ra tổ chức trong khi các trường dư sức tổ chức? Hiệu trưởng một trường THPT phân tích: “Dù sở không bắt buộc các trường phải tham gia nhưng lại bắt các trường THCS, THPT nếu muốn kết hợp với các đơn vị lữ hành thực hiện riêng tiết học ngoài nhà trường, các hoạt động trải nghiệm thì phải gửi toàn bộ chương trình, kế hoạch thực hiện, nội dung hoạt động và lực lượng tham gia… về Phòng Trung học trước 30 ngày làm việc. Cách nói này khiến chúng tôi ngầm hiểu rằng: không cấm nhưng không nên tự tổ chức”.

Ai hưởng lợi?

Năm học 2017-2108, Sở GD-ĐT TP.HCM chưa cho biết đối tác thực hiện, nhưng trong năm vừa qua, đơn vị thực hiện chương trình này vẫn là Công ty cổ phần Du lịch quốc tế Đảo Ngọc, tức công ty thường xuyên tổ chức các “tour hội họp” cho sở. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong năm học 2016-2017, có 111 đoàn của các trường THCS, THPT với khoảng 25.500 HS tham gia chương trình “Tiết học ngoài nhà trường” của sở tại Thảo Cần Viên.

So muon 'doc quyen' giao duc ngoai khoa?
Học sinh Trường THCS Tùng Thiện Vương (Q.8, TP.HCM) tham gia tiết học ngoại khóa tại Thảo Cầm Viên

Với chi phí tối thiểu là 105.000 đồng/HS thì tổng doanh số từ hoạt động này của năm học 2016-2017 là hơn 2,6 tỷ đồng, một khoản tiền mà nhiều công ty du lịch có nằm mơ cũng không thấy.  

Thông tin từ các trường cho biết, chương trình “Tiết học ngoài nhà trường” được Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức biên soạn với sự đóng góp công sức và trí tuệ của đội ngũ GV phụ trách mạng lưới. Về ý tưởng, nhiều cán bộ quản lý và GV đánh giá là không tồi, nhưng việc sử dụng nó gắn liền với dịch vụ “độc quyền” cho một công ty là điều khó chấp nhận.

Bởi, một khi đã độc quyền thì đơn vị cung cấp dịch vụ “hét” giá thế nào, các trường cũng phải chịu mà không có sự chọn lựa khác. Và thực tế là, dù phải “nhăn mặt” với mức giá quá “chát” cho một buổi học ngoại khóa tập thể, các trường vẫn phải bấm bụng thực hiện vì đây là chương trình của Sở GD- ĐT.

Độc quyền cung cấp dịch vụ sẽ dẫn đến không có sự cạnh tranh về giá và chất lượng, thua thiệt thuộc về người sử dụng dịch vụ. Và ai hưởng lợi nhiều nhất từ sự độc quyền này cũng dễ hiểu. 

Gia Tuệ - Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI