Nâng 'chất' giáo dục đại học từ đâu?

16/05/2018 - 15:22

PNO - Các nhà giáo dục nghi ngờ về tính hiệu quả, nhất là khi công tác đào tạo thạc sĩ ở nhiều trường rất lôm côm như hiện nay. Thực sự, các trường ĐH đang cần giảng viên như thế nào để nâng cao chất lượng?

Theo dự thảo Luật Giáo dục sắp trình Quốc hội, Bộ GD-ĐT cho rằng, cần có thêm 13.000 thạc sĩ để nâng chuẩn trình độ giảng viên đại học. Nhưng các nhà giáo dục băn khoăn, kế hoạch này có thật sự giúp nâng cao chất lượng giáo dục đại học vốn đang có độ lệch lớn với yêu cầu của thị trường lao động hay tiếp tục là cuộc chạy đua theo số lượng, hình thức, gây tốn kém.

Lãng phí để chạy theo số lượng

Trong báo cáo giải trình, đánh giá tác động chính sách đối với việc nâng chuẩn trình độ giảng viên đại học (ĐH), Bộ GD-ĐT đưa ra lộ trình dự kiến thực hiện. Theo đó, hiện nay cả nước có 235 cơ sở giáo dục ĐH, trung bình mỗi năm một cơ sở giáo dục ĐH đào tạo khoảng 30 thạc sĩ, mỗi khóa đào tạo trong hai năm, thì đến năm 2021 sẽ cơ bản hoàn thành số giảng viên trình độ thạc sĩ cần bổ sung.

Nang 'chat' giao duc dai hoc tu dau?
 

Với kế hoạch này, các nhà giáo dục nghi ngờ về tính hiệu quả, nhất là khi công tác đào tạo thạc sĩ ở nhiều trường rất lôm côm như hiện nay. Thực sự, các trường ĐH đang cần giảng viên như thế nào để nâng cao chất lượng?

Một chuyện không mới là danh sách giảng viên cơ hữu ở các trường ĐH hiện nay phần đông đều là hồn Trương Ba… da người khác. Một trường ĐH tư thục chuyên đào tạo khối ngành kinh tế có mức học phí rất cao, xác định mục tiêu đào tạo theo hướng ứng dụng, đào tạo ra cử nhân làm những công việc rất cụ thể cho doanh nghiệp, cho các tập đoàn đa quốc gia chứ không phải đào tạo ra để làm nghiên cứu, nên chọn giảng viên là tiến sĩ từ nước ngoài về hoặc các doanh nhân có kinh nghiệm để dạy cho sinh viên. Nhưng như thế lại thiếu số lượng giảng viên đủ trình độ “học vị”. Cho nên trường này phải “mượn”… học vị của một số thạc sĩ, tiến sĩ bên ngoài.

Tiến sĩ Lê Văn Út - Trưởng phòng Phát triển Khoa học Công nghệ, Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cho biết: “Nói ĐH thiếu nhân sự có trình độ thì chắc chắn đó không phải là trình độ thạc sĩ, mà cần những giảng viên có năng lực nghiên cứu và giảng dạy thực chất. Nhưng giảng viên có trình độ và năng lực cũng không thiếu, nhưng thiếu cơ chế phù hợp để sử dụng hiệu quả họ. Hiện nay, tiến sĩ được đào tạo từ nước ngoài rất nhiều, có chất lượng, nhưng về nước làm việc sống không nổi phải trở lại nước ngoài.

Nếu chọn ở lại phải ra ngoài làm thêm. Một giáo sư ngoại muốn làm hiệu trưởng một trường ĐH tư theo hướng ứng dụng cũng phải đáp ứng tiêu chí y như trường công thì rõ là phi lý. Những quy định lạc hậu đã tạo ra sự lãng phí rất lớn. Họ đi học bằng kinh phí tự túc hoặc học bổng, nhưng ta không sử dụng, rồi lại chạy đi đào tạo để bổ sung đủ số lượng thạc sĩ thì có phải quá lãng phí?”. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng, không nên tăng số lượng thạc sĩ một cách máy móc như vậy, vì cái cần là chất lượng. 

Hạn chế của giảng viên không chỉ ở trình độ

Cứ giả định rằng Luật Giáo dục được thông qua, ngành giáo dục phải chuẩn hóa để có 13.000 giảng viên có trình độ thạc sĩ trong 3 năm thì tính khả thi của kế hoạch này cũng… rất mờ mịt. Mỗi năm, phải có trên 4.000 giảng viên hoàn thành chương trình thạc sĩ là một thách thức quá lớn. Bởi nếu đưa đi đào tạo nước ngoài thì khoản kinh phí đầu tư thật khổng lồ; còn dựa vào đào tạo trong nước thì rất khó, vì số cơ sở giáo dục ĐH đủ khả năng đào tạo trình độ thạc sĩ không nhiều.

Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH nhấn mạnh: “Thực lực không đủ, còn phải chạy theo số lượng thì chất lượng giảng viên sẽ càng đáng lo. Việc phải chạy theo đào tạo ra những thạc sĩ để đủ số lượng nhưng kém chất lượng rồi phân công họ làm giảng viên thì không biết khi nào chất lượng đào tạo mới được nâng lên. Chất lượng giáo dục phải mất thêm mấy mươi năm để trả giá”.

Phát biểu trên báo chí, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho rằng, việc phát triển đội ngũ giảng viên chỉ tập trung vào hình thức chưa hẳn đã cải thiện được chất lượng đào tạo. Thực tiễn cũng cho thấy, hạn chế của đội ngũ giảng viên ĐH nước ta hiện nay không chỉ nằm ở trình độ đào tạo, mà ở các mặt khác: năng lực nghiên cứu khoa học, số lượng bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng sư phạm…

Hầu hết ai cũng thấy việc chạy đủ số lượng không đồng nghĩa với chuyện có chất lượng. Tiến sĩ không biết nghiên cứu, không có bài báo công bố trên tạp chí khoa học quốc tế cũng không còn là chuyện lạ. Theo tiến sĩ Út, vấn đề không phải chạy theo số lượng mà cần củng cố chất lượng đội ngũ giảng viên. Thay vì đưa ra chỉ tiêu về số lượng thì nhà quản lý cần đưa ra tiêu chí về chất lượng đối với đội ngũ giảng viên các trường ĐH. Muốn như vậy, bắt buộc phải quy hoạch lại trường, trường ĐH nghiên cứu có tiêu chí về giảng viên khác với trường ứng dụng. 

Theo đề xuất của các nhà giáo dục, bên cạnh chuẩn hóa đội ngũ giảng viên một cách có chất lượng thì bộ nên quy hoạch lại các loại hình giáo dục ĐH. Từ đó, xác định chuẩn giảng viên phù hợp với từng loại hình trường. Giáo dục là thị trường bán dịch vụ dựa vào niềm tin nên sự phân loại rõ ràng cũng là minh bạch, sòng phẳng với người học. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI