Muốn giữ chân người thầy, phải hỏi... ông hiệu trưởng

11/06/2018 - 07:13

PNO - Để tạo ra và giữ được môi trường sư phạm lý tưởng, vai trò của hiệu trưởng vô cùng quan trọng.

Nhiều năm nay, ngành GD-ĐT vẫn loay hoay tìm cách nâng chuẩn giáo viên, thu hút và giữ chân người giỏi. Nhưng yếu tố quan trọng góp phần tạo sức hấp dẫn cho nghề này là môi trường làm việc thì lâu nay bị lãng quên. Để tạo ra và giữ được môi trường sư phạm lý tưởng, vai trò của hiệu trưởng vô cùng quan trọng.

Muon giu chan nguoi thay, phai hoi... ong hieu truong
Cô Nguyễn Thị Thu Cúc - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định - Ảnh: Phùng Huy

“Minh quân” ngày càng hiếm

Bộ GD-ĐT đặt ra chuẩn hiệu trưởng với rất nhiều tiêu chí, nhưng trên thực tế những quy “chuẩn” xơ cứng, hình thức ấy không bảo chứng cho năng lực và phẩm chất của một  người làm giáo dục. Rất rõ là tất cả nhân sự trước khi đưa lên làm hiệu trưởng đều đủ chuẩn nhưng không phải ai cũng tạo ra môi trường tốt để giáo viên phát huy năng lực.

Rất hiếm hiệu trưởng trở thành chỗ dựa tin cậy cho giáo viên và học sinh mỗi khi họ gặp rắc rối, kiểu như cô Nguyễn Thị Thu Cúc - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Trong quản lý, cô là một “tướng giỏi”, nghiêm khắc nhưng tình cảm. Điều quan trọng là cô tạo ra môi trường học đường đáng mơ ước. Ở đó, cấp trên cấp dưới tôn trọng nhau; tôn sư trọng đạo được đề cao nhưng thầy cô và học trò vẫn rất gần gũi, như trong gia đình. Nhiều học trò còn gọi cô là “mẹ”. Những giọt nước mắt của học trò, thầy cô, bảo vệ, lao công... vào ngày chia tay cô nghỉ hưu đã phần nào chứng minh điều đó.

Tương tự, nói tới Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), bao thế hệ phụ huynh và học trò sẽ nhắc ngay đến ông giáo già Trần Mậu Minh. Đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng đồng nghiệp cũ, học trò, phụ huynh vẫn cứ nhắc về ông như một phần không thể thiếu của ngôi trường. 

Chọn người có khả năng quản lý

Ông Cao Huy Thảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Úc - nói rằng: “Nếu đặt câu hỏi vì sao lại bổ nhiệm ông này, bà kia làm hiệu trưởng thì rất khó trả lời. Còn nếu được thì họ sẽ lý giải rằng, đó là một giáo viên giỏi. Nhưng tại Úc và Singapore họ không làm như vậy, vì như thế rất có thể sẽ làm mất một giáo viên giỏi và nhận được một hiệu trưởng tồi.

Triết lý của họ là: con người ai cũng muốn thăng tiến, nhiệm vụ của ngành là tạo điều kiện để người ta thăng tiến, nhưng không phải là con đường làm hiệu trưởng hay hiệu phó. Do vậy, lãnh đạo phải nhìn ra được người đó có khả năng quản lý hay không, hoặc có khả năng nghiên cứu giáo dục sư phạm, hay chỉ thích dạy học thì sẽ được đưa lên làm giáo viên cao cấp, sẽ không dạy ở một trường mà dạy ở nhiều trường để cái hay, cái giỏi của họ được lan tỏa”. 

Sau bao năm phải làm việc trong ấm ức, tập thể giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) vui như ngày hội khi có hiệu trưởng mới về. Họ có thể đóng góp ý kiến về bất cứ vấn đề gì và những ý kiến ấy sẽ được hiệu trưởng lắng nghe và hành động nếu vì lợi ích của học trò, tập thể. Nhờ đó, chỉ chưa đầy hai năm học, môi trường sư phạm tại ngôi trường này gần như đã thay đổi hoàn toàn.

Những nghi kỵ của giáo viên với hiệu trưởng vốn hình thành trước đây, giờ dần biến mất. Bao sức lực, trí tuệ tập trung vào việc kiện cáo trước đây, nay được cuốn hút vào dạy học, xây dựng và duy trì các hoạt động giáo dục. Nhờ vậy, trong năm vừa qua trường đã gặt hái được nhiều thành tích. 

Nhiều sai phạm vẫn làm hiệu trưởng

Đáng tiếc là những trường may mắn có được người đứng đầu xứng đáng không nhiều. Số lượng các vụ thưa kiện của giáo viên với hiệu trưởng ngày càng nhiều. 

Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du - chia sẻ: “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn. Người đứng đầu không tạo ra môi trường dân chủ, có ý tư túi sẽ không làm cấp dưới nể phục. Một số còn “học” cấp trên làm bậy”.

Dễ thấy nhất là tại Trường THPT Gò Vấp, suốt hai đời hiệu trưởng với gần chục năm chìm đắm trong kiện cáo, mất đoàn kết và bè phái. Trong nhiều cuộc họp, thay vì cùng nhau tìm cách thực hiện một kế hoạch nào đó thì các phe phái lại tìm cách “đánh nhau” khiến bất ổn kéo dài, phụ huynh học sinh bất tín. 

Ở khía cạnh khác, ngôi trường THPT quốc tế công lập duy nhất tại TP.HCM lâu nay vốn yên lành, nhưng gần đây hiệu trưởng mới được bổ nhiệm vốn là người đầy tai tiếng chuyện tiền nong, quản lý, điều hành khi còn làm hiệu trưởng ở trường khác. Việc làm này khiến cán bộ, giáo viên và cả những phụ huynh có con đang học tại đây nghi ngại. Và những gì họ nghi ngại đang dần thành hiện thực.

Chưa đầy một học kỳ về làm hiệu trưởng, vị này đã rậm rịch những kế hoạch “đổi mới” tốn kém, gây bức xúc cho tập thể sư phạm lẫn phụ huynh. Một trong những dự định “đổi mới” của hiệu trưởng chính là bộ đồng phục mà học sinh của trường đang mặc do một nhà thiết kế nổi tiếng làm ra, là niềm tự hào của cả trường.

“Cải tiến kiểu này là thành “cải lùi”. Chúng tôi không hiểu vì sao Sở GD-ĐT TP.HCM lại đưa một người tai tiếng trong quản lý tiền nong và điều hành như vậy về ngôi trường quốc tế này” - một phụ huynh của trường bức xúc. Cũng thế, mới đây, khoảng 30 giáo viên Trường THPT Long Trường (Q.9) đã ký đơn kiến nghị lãnh đạo các cấp xem xét lại năng lực và tư cách của hiệu trưởng kiêm bí thư chi bộ nhà trường. Giáo viên cho rằng, một người liên tục sai phạm về chuyên môn, sai phạm về quản lý, không có khả năng lắng nghe và sửa chữa thì không thể làm hiệu trưởng.

Tiêu Hà- Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI