Lòng tin chẳng phải nồi cơm Thạch Sanh

27/01/2018 - 08:14

PNO - Những đợt cải cách tiền lương với sự ưu ái dành cho ngành giáo dục cũng nhằm mục đích giúp các thầy cô giáo yên tâm hơn một chút để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người thiêng liêng. Thế nhưng...

Cái se lạnh những ngày giáp tết như dễ khiến con người mềm lòng. May mà cha mẹ ở gần, nên mỗi lần tâm trạng hụt hẫng là tôi chạy ào về với mẹ. Thấy tôi mặc áo dài, hỏi thăm biết là cô giáo, nên bác xe ôm đứng tuổi cứ miên man nói về giấc mơ có được một đứa con gái làm cô giáo: “Nghề giáo thanh cao lắm đúng không cháu? Các cô áo dài xúng xính còn gì đẹp hơn!”.

Long tin chang phai noi com Thach Sanh
 

Tôi nghe mà... lạnh lưng. Trong ước mơ của mình, có lúc nào bác nghĩ, đứa con gái làm cô giáo của bác sẽ có những ngày cuối năm không mua nổi chút quà bánh cho cha mẹ, chiếc vé tàu để về quê thắp hương lên bàn thờ ông bà ngày đầu năm mới? 

Chiếc áo “người thầy”, trong tâm thức hiếu học của người Việt chúng ta vốn vô cùng đẹp đẽ; nhưng có bao nhiêu người nhìn thấy cảnh những ngày cuối năm học, tiễn một lứa học sinh ra trường, có người thầy giáo lặng lẽ đứng nơi góc sân đầy lá, mái tóc đã thêm bạc, lưng thêm còng, lòng nặng trĩu những ước mơ xa xôi?

Có mấy người nhìn thấy cảnh cô giáo vùng ven sớt phần thịt ít ỏi trong hộp cơm trưa cho cậu học trò mất mẹ, len lén lau nước mắt: “Ước gì mình có đủ sức cưu mang thằng bé”? Có ai thấy cảnh ngày học trò đi thi, các thầy cô không chỉ dặn dò ăn gì, uống gì, ngủ mấy giờ mà còn thấp thỏm không yên? Có ai biết, có cô giáo từng lặng lẽ nắm chặt tay cô học sinh bé nhỏ, xanh rớt của mình, đang run rẩy trước cổng bệnh viện phụ sản? Tôi đã thấy. 

Hàng trăm, hàng ngàn đồng nghiệp của tôi đã và đang đứng lớp, ai không mang theo mình một tình yêu thương con trẻ như vậy? Cả nước vẫn còn nhiều người thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng gần như không ai không thắt lưng buộc bụng để có những khoản đóng góp cho giáo dục.

Những đợt cải cách tiền lương với sự ưu ái dành cho ngành giáo dục cũng nhằm mục đích giúp các thầy cô giáo yên tâm hơn một chút để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người thiêng liêng. Thế nhưng, đồng lương nhà giáo nhận được vẫn chưa giúp họ nuôi sống nổi bản thân, nói gì đến con cái, tứ thân phụ mẫu, giỗ chạp, cưới hỏi…

Không hề thiếu những thầy cô buông viên phấn ra là cúi mặt bán cá, bán vải, bán rau; thậm chí bán luôn chút thanh cao còn lại của nghề để o bế (và cả o ép) học sinh học thêm! Trong khi đó, không ít lãnh đạo cứ giàu lên, tham ô, lãng phí có khi tính đến ngàn tỷ đồng. Giáo viên chúng tôi, chắc chẳng ai đủ “tầm” để hình dung con số ngàn tỷ là nhiều đến thế nào... 

Những chiều muộn, nán lại trường nhìn mấy em giáo sinh trán lấm tấm mồ hôi chăm chú dán dán, cắt cắt bên đống đồ dùng học tập cho ngày mai đến lớp, tôi bất giác ngậm ngùi thương cho khát vọng một thời tuổi trẻ. Gần 20 năm đứng trên bục giảng, chợt thảng thốt khi thấy khát vọng tuổi thanh xuân rất tròn đầy, rất rực rỡ giờ đã tàn úa. Lòng tin là thứ phải được nâng niu, bồi đắp, đâu phải nồi cơm Thạch Sanh mà ăn hoài không hết! 

Mỗi năm, cầm xấp hồ sơ đăng ký đại học của lớp chủ nhiệm lòng tôi trĩu nặng. Rất ít em chọn ngành sư phạm và gần như không một em học sinh nào giỏi hay xuất sắc muốn tương lai sẽ được khoác lên mình chiếc áo “người thầy”.

Tôi hoang mang nhớ lại câu hát đã theo mình suốt thời tuổi trẻ: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng. Gian khổ sẽ dành phần ai?”. Cái lý lẽ ấy đã một thời níu giữ hàng triệu người thầy mải miết với nghề… 

Loan Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI