Học sinh, giáo viên lớp 12 “sợ” kiểu thi trắc nghiệm

10/02/2017 - 11:25

PNO - Học sinh lớp 12 nhiều trường đang “cắm mặt” ôn luyện để thích ứng với kiểu thi trắc nghiệm các môn Toán, Sử, Địa, Giáo dục công dân… khiến không chỉ học sinh mà đến giáo viên, nhà trường cũng lo sốt vó.

Hình thức thi lạ: điểm giảm mạnh

Phương án thi trắc nghiệm tất cả các môn (trừ Ngữ văn) được Bộ GD-ĐT đưa ra bàn rồi áp dụng ngay trong kỳ thi năm nay một cách chóng vánh khiến học sinh (HS) đang học lớp 12 trở tay không kịp.

Đặc biệt, môn ggáo dục công dân trước nay chịu cảnh “vai phụ”, không một bước chuẩn bị, đùng cái được thăng cấp đưa vào thi luôn và trái khoáy là thi bằng hình thức trắc nghiệm chung với hai môn sử, địa.

Sự mới mẻ này khiến cả người học lẫn người dạy bị động vì không kịp thích ứng. Bằng chứng là, ở thi học kỳ I, các trường THPT tại TP.HCM áp dụng hình thức thi trắc nghiệm thì cho ra kết quả khá “thê thảm”.

Là một trong những trường THPT tên tuổi, luôn nằm trong top 200 trường phổ thông có điểm thi đại học cao nhất nước, kết quả thi học kỳ I của trường THPT Bùi Thị Xuân khi công bố đã khiến nhiều HS lo lắng.

Theo thông tin từ thầy Nguyễn Hùng Khương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, những môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân và toán là năm đầu tiên các em làm bài thi trắc nghiệm.

Kết quả, số HS đạt điểm 9, 10 ở môn toán rất ít, giảm mạnh so với năm vừa qua, giảm khoảng 30-40% số HS không đạt điểm giỏi; xuất hiện nhiều HS có điểm dưới trung bình, phổ điểm chung không cao, chủ yếu từ 5-7 điểm…

“Trường có bốn lớp đang học hệ giáo dục thường xuyên vừa trải qua kỳ thi học kỳ I với hình thức trắc nghiệm mới toanh, đã cho ra kết quả... bèo nhèo. Cụ thể có đến 30-40% HS bị điểm yếu kém, phổ điểm chủ yếu tập trung ở trung bình - khá, tất nhiên cũng không có HS nào đạt điểm giỏi.

Kết quả này không quá bất ngờ bởi các em chưa quen với kỹ năng làm bài trắc nghiệm các môn toán, sử, địa, giáo dục công dân bao giờ”, ông Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho biết.

Tương tự, Trường THPT Phú Nhuận mọi năm thi theo hình thức tự luận có ít nhất 50% HS được điểm giỏi môn toán, năm nay chỉ có khoảng 20% đạt điểm giỏi, khoảng 10% dưới trung bình. Nhiều trường THPT còn thê thảm hơn, như Trường THPT Tân Túc không có HS nào đạt điểm 10, điểm 9 chưa tới 10%, phổ điểm vẫn là 5, 6 điểm.

Ngay cả trường chuyên cũng không thoát, kết quả thi học kỳ của HS lớp 12 giảm mạnh. Nguyễn Trọng Th., lớp 12D5, Trường THPT Gia Định bất bình nói: “Điểm học kỳ môn toán vừa rồi của em chỉ được 7 điểm, các môn khác tương tự. Đề trắc nghiệm không khó nhưng vấn đề là kỹ năng làm bài. Sự thay đổi đột ngột này khiến hầu hết người học chưa nhuần nhuyễn với kỹ thuật thi trắc nghiệm nên HS tụi em không đủ thời gian để làm bài”.

Gấp rút luyện kỹ năng

Theo các giáo viên, kỹ năng đọc đề và làm bài trắc nghiệm đòi hỏi phải được rèn luyện mới thành thạo. Thế nên nhiều HS chới với trong lần đầu cọ xát, nhiều em chỉ biết “đánh lụi” nên mất điểm. Tình trạng này càng nghiêm trọng hơn ở các địa phương khó khăn.

Nói về nguyên do HS khó giành điểm cao, thầy Bùi Thiện Đạo, Phó hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc phân tích: “Các môn lý, hóa, sinh kết quả không thay đổi nhiều so với năm trước do các em đã được làm quen với thi trắc nghiệm ở những môn này, chỉ có môn toán là HS gặp rắc rối. Nguyên do là tháng 10, Bộ GD-ĐT mới công bố đề minh họa, sau đó giáo viên mới được tập huấn, chuẩn bị nên chưa có nhiều thời gian rèn luyện cho các em”.

Tương tự, một giáo viên dạy môn sử tại TP.HCM khẳng định: “Để đạt điểm cao các môn xã hội ở hình thức thi trắc nghiệm là vô cùng khó, vì các em không có cơ hội dùng ngôn ngữ để diễn giải, mà phải chọn kết quả đúng hoặc sai rất rõ ràng. Cách thi này đòi hỏi các em phải thay đổi cách học, phải nhớ chính xác, kể cả số liệu của các sự kiện”.

Sau khi phân tích điểm yếu trong kỹ năng làm bài của HS, Trung tâm Giáo dục thường xuyên của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM bắt đầu tăng tiết phụ đạo kỹ năng học và thi trắc nghiệm cho HS.

Cụ thể, mỗi tuần, các em lớp 12 phải tăng thêm tám tiết ở các môn thi để kịp thành thạo kỹ năng làm bài cho kỳ thi gần kề. Nhưng đó cũng chỉ là kiểu ôn tập “cây nhà lá vườn” mà giáo viên tự nghĩ dựa trên kinh nghiệm.

Ngay sau tết, HS khối 12 trường THPT Nhân Việt vào cao điểm ôn luyện. Thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Dựa vào đề thi mẫu, các giáo viên bộ môn chủ động làm ngân hàng đề thi để HS ôn tập hàng ngày. Những môn xã hội như giáo dục công dân, sử, địa chưa có tiền lệ thi trắc nghiệm nên HS khá hoang mang, giáo viên chủ nhiệm và bộ môn phải làm công tác tư tưởng, cho các em cọ xát kiểu thi này thường xuyên”.

Hầu hết các trường đều lên kế hoạch tăng tốc cho HS làm dạng bài trắc nghiệm thường xuyên hơn, không chỉ những giờ kiểm tra một tiết, kể cả kiểm tra 15 phút hoặc kiểm tra miệng cũng trắc nghiệm để các em quen với kỹ năng thi mới mẻ…

 Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI