Học bổng 'Nữ sinh hiếu học vượt khó' lần 27: Tặng tấm áo thơm, trao niềm hoa mộng

18/08/2017 - 14:45

PNO - Đã sớm thoát nghèo từ những năm 20 tuổi khi đã thành nghề thợ may, nhưng mỗi lần đến dự chương trình học bổng “Nữ sinh hiếu học vượt khó”, ký ức về những tấm áo năm xưa lại ùa về trong chị.

Hơn 10 năm đồng hành, trao hàng ngàn bộ áo dài cho chương trình học bổng “Nữ sinh hiếu học vượt khó” của Báo Phụ Nữ, chị Huỳnh Thị Kiều Oanh - chủ thương hiệu Áo dài Kiều Oanh - chỉ kỳ vọng một điều giản dị: “Chia sớt mùa hè cực nhọc của các em”. “Mùa hè cơ cực” là một kỷ niệm, một nỗi ám ảnh, mà cũng là một dấu chỉ tuổi thơ khiến chị nhìn thấy mình trong những gương mặt trẻ khốn khó.

Hoc bong 'Nu sinh hieu hoc vuot kho' lan 27: Tang tam ao thom, trao niem hoa mong
Chị Huỳnh Thị Kiều Oanh, người đồng hành cùng học bổng "Nữ sinh hiếu học vượt khó" hơn 10 năm qua

Sinh ra trong gia đình có ba anh chị em, tuổi thơ của chị Kiều Oanh khá êm ấm. Nhưng năm 11 tuổi, chị chứng kiến cảnh nhà sa sút. Từ chỗ làm ăn phát đạt, mẹ chị phải gửi con cho ông bà để ngược xuôi lo từng bữa ăn. Chuyện học hành của ba đứa con vượt khỏi khả năng chăm lo của mẹ, hai anh trai lần lượt bỏ học, đi làm.

Chị vẫn còn được đến lớp, nhưng cũng nơm nớp lo sợ đến một ngày mẹ không còn lo nổi tiền sắm sửa tập sách... Chuyện ăn, chuyện học bao lần dồn đuổi khiến chị phải dần quen với những cách kiếm tiền ở vùng quê nghèo An Nhơn, Bình Định. 

Vóc người nhỏ nhắn, lại không quen lao động chân tay, nên mọi thử nghiệm với các nghề thủ công đều thất bại, Kiều Oanh theo chân những người buôn bán trong làng rồi trở thành “cô buôn bóng đèn” vào năm 12 tuổi. Cứ vài ngày, chị lại lên chiếc xe lam xuống chợ đầu mối lấy quạt giấy, tim đèn và bóng đèn hột vịt về bán.

Lớp 6 trường làng học vào buổi chiều, nhưng cứ ba giờ rưỡi mỗi sáng, tiếng khua thùng gánh nước của cô dì ngoài ngõ đã đánh thức chị dậy để hòa vào dòng người gánh hàng ra chợ phiên. Một tuần 5 phiên chợ, mỗi điểm chợ phiên cách nhà từ 4-7km, chị cứ thế quảy hàng đi bộ, ra đến quốc lộ lại bắt xe buýt. 11 giờ, chợ tan, chị lại vội vã về nhà, thay quần áo, rồi đến lớp học.

Ngày nào cũng quần quật với việc học - việc buôn bán, nhưng hễ ai khuyên chuyển về bán ở chợ làng là chị lắc đầu, vì  đi chợ phiên mới bán được nhiều hàng. Sau mỗi buổi bán hàng, thống kê lời - lỗ, cô bé 12 tuổi lại phải tính toán trích một phần để đi chợ, phần bỏ vào heo đất, phần dành sắm sửa sách tập, áo quần.

Chiếc áo mới ngày khai trường là tất cả mơ mộng của chị trong suốt những ngày hè cơ cực. Có óc quan sát, lại đam mê thời trang từ nhỏ, nên mọi kiểu dáng đẹp mắt vô tình nhìn thấy đều gây ấn tượng mạnh với chị. Để đến khi dành dụm được đủ tiền, chị lại cẩn thận lấy ra, tỉ mỉ đi lựa vải, rồi chủ động tạo mẫu cho thợ may.

Thời ấy, một bộ áo mới có khi là cả gia tài của một gia đình nghèo. Bộ áo vải tốt lại càng đắt đỏ. Tiền sắm sửa áo mới của chị, thường là tiền dành dụm được từ những chuyến “buôn đường dài”. Chừng 15, 16 tuổi, với bốn năm kinh nghiệm bán bóng đèn, cứ mỗi phiên chợ cuối xuân, chị lại trích tiền lời để trữ thêm hàng cho chuyến buôn xa.

Đến lúc lên đường, “cô buôn vị thành niên” quảy theo một ngàn bóng đèn rời Bình Định lên tận Gia Lai, Kon Tum. Đến nơi, thay vì vào chợ bán sỉ, chị chọn cách xuống xe đi bộ 4km vào chợ để vừa đi vừa chào hàng cho các tiệm tạp hóa với giá bán lẻ. Có khi vào đến chợ thì bóng đèn đã hết, “cô buôn” lại được một phần lãi gấp đôi.

Chiều về, chị mua xà bông cục (một sản phẩm tại Pleiku) về bán cho các tiệm tạp hóa để có thêm tiền xe. Mỗi chuyến buôn đường dài là những đắng cay không kể hết, mà cũng chất chứa những kỳ vọng ngọt ngào, hoa mộng cho năm học mới - về tấm áo thơm, cặp sách mới, tinh tươm như mọi đứa trẻ nghèo.

Đã sớm thoát nghèo từ những năm 20 tuổi khi đã thành nghề thợ may, nhưng mỗi lần đến dự chương trình học bổng “Nữ sinh hiếu học vượt khó”, ký ức về những tấm áo năm xưa lại ùa về trong chị. Chị kể, hồi đó, dù là con nhà nghèo nhưng hễ mặc một tấm áo mới, chị lại được bạn bè trầm trồ khen đẹp.

Cái đẹp tươm tất ấy là vô giá, mà đôi lúc, giữa khốn khó, người con gái chưa kịp đôi mươi vẫn tự triệt tiêu đi, để nhường phần cơm áo. Cùng với 100 chiếc áo dài trao đi trong chương trình của Báo Phụ Nữ năm nay, chị lại tiếp tục bù đắp vào phần thiếu khuyết ấy. 

Thanh Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI