Hai tháng về nước, du học sinh có hai điều "tiếc nuối" nhất sau bảy năm bằng giỏi ở Nga

29/09/2016 - 07:18

PNO - Cách đây mấy tháng, hồi còn chuẩn bị tốt nghiệp ở Nga, thấy một chị du học sinh Nga "rao bán" bằng tiến sĩ ở Việt Nam, tôi chỉ nghĩ đó là câu đùa và chưa lường nổi những khó khăn mình phải đối diện.

Tôi học Báo, có bằng Thạc sĩ loại xuất sắc ở mức tối ưu (tức là nếu xét về điểm thì không ai có thể học hơn tôi, và du học sinh Nga thì thành tích này là khá mặc định). Sau gần một tháng rải đơn trên mạng qua cái kênh vieclam24h, vietnamworks, chỉ mới có 4 nơi gọi tôi đi phỏng vấn và đến giờ tôi vẫn chưa đi làm.

Một chỗ công ty lớn chưa có kết quả, hai nơi gọi tôi đến với công việc kinh doanh và PR nhưng tôi từ chối do bản thân nghĩ mình không muốn đi ngược lại với cá tính. Còn một chỗ khước từ tôi sau khi đã chốt lương và hỏi bao giờ tôi có thể đi làm.

Đó là một công ty chuyên về Công nghệ thông tin, Luật, Dược, hôm đó tôi phỏng vấn khá thoải mái, dù thời điểm mới vào công ty tôi hơi sốc với văn hóa bắt buộc phải thả giày vì công ty trải thảm. May mà tôi mặc sơ mi, chứ nghĩ cảnh mặc vét mà đi chân đất thì đúng là ê chề.

Hai thang ve nuoc, du hoc sinh co hai dieu

Tôi nói thẳng với anh tuyển dụng là tôi không thích cái văn hóa chân đất này, và việc anh ấy hút thuốc trước mặt tôi cũng bị tôi phản ánh bằng một cái giọng nửa đùa nửa thật là anh không tôn trọng tôi, và nếu tôi khó tính thì có thể phản ánh lên giám đốc.

Công ty tất nhiên đá đít tôi, vì nếu không vì tôi yêu cầu lương khá cao so với mức cơ bản của công ty thì ngẫm lại, tuyển tôi vào thì họ nhận ngay nguy cơ văn hóa công ty bị đảo lộn sau bao nhiêu năm xây dựng.

Nhà tuyển dụng không ai khen tôi có bằng giỏi, bằng đẹp. Họ chỉ hỏi về lâu chưa, trước làm gì rồi. Tức là với họ kinh nghiệm là thứ được đặt lên bàn cân đầu tiên. Và nếu không thể kiếm một chỗ để lấy kinh nghiệm trong thời gian đi học, thì bạn nên nở một nụ cười và đọc tiếp phần dưới đây, và thật tốt nếu các bạn chịu khó đọc hết, vì phần quan trọng nằm ở cuối bài.

Nói ra để biết, việc bản thân chưa kiếm được chỗ chạy ra chạy vào, một phần là bản thân chưa thích nghi nổi cuộc sống ở Việt Nam, và một điều nữa là tôi kém ngoại ngữ: Tiếng Anh.

Trước giờ, rất nhiều anh chị khuyên học tiếng Anh, nhưng tôi và một đứa nữa (là Thủy, vào Sài Gòn, Thạc sĩ ngành Luật) vừa mới thừa nhận, do lười nhác và không chịu khó nên không thể bán bản thân cao lên được. Không có tiếng Anh tại thời điểm này là một thiệt thòi quá lớn. Đó là hậu quả của việc không coi trọng lời cảnh báo của các thế hệ đi Nga về trước.

Tuy nhiên, có tiếng Anh là một lợi thế nhưng không phải yếu tố quyết định đưa công việc đến cho bạn. Điều tôi muốn nói ra sau đây, là điều tôi ngẫm ra và giờ thì đã quá muộn và nó làm tôi khá nuối tiếc.

Hai thang ve nuoc, du hoc sinh co hai dieu

Du học sinh, ngoài việc học theo chuyên ngành chính thức ở các nước khác, phải chăng nên chọn một ngành nghề phụ mà theo đuổi, mà đầu tư.

Đó có thể là làm bánh ngọt, là cắt tóc, là kiếm mối buôn bán, là chụp ảnh cưới, v..v.., đại loại là ngành nghề khác, để khi có kỹ năng sau khi được đào tạo bài bản, khi các bạn về nước, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn để tìm việc làm.

Một số du học sinh và tôi là điển hình là người chán học, nhưng thật đáng tiếc là tôi không nghĩ sớm đến việc đi học một vài khóa cắt tóc hay làm bánh, vốn là những sở thích từ trước đến giờ, nó có thể giúp tôi vượt qua giai đoạn rất ít Tòa soạn tuyển dụng Phóng viên, Cộng tác viên như hiện tại, mà chủ yếu họ cần PR và Quảng cáo, và biết đâu tôi lại thành công hơn với những ngành nghề kia hơn.

Các bạn du học sinh, dù các bạn có muốn nghe hay không, thì tôi chắc rằng các bạn sẽ cực kỳ khó khăn sau khi đặt chân xuống Nội Bài và không thể quay lại Nga được nữa, và nếu các bạn không chịu khó học tiếng Anh, thì ngay bây giờ, ở Nga hay ở bất kỳ đâu, hãy đăng ký ngay một lớp học nghề, để một phần có thể cứu các bạn, một phần lấy lại quãng thời gian rất nhàn và vô lo ở tận bên kia.

Họ và tên: Trần Thanh Thể

Ngày sinh: 21/05/1990Thạc sĩ Báo chí tại LB Nga, chuyên ngành Báo mạng.Từng là Phó Bí thư thành đoàn thành phố Voronezh, LBN (2013-2016).

• Năm 2014: Giải nhì mạng mục “Tự do” tại cuộc thi Record - một trong những cuộc thi làm phim quy mô toàn LB Nga do khoa Báo chí trường ĐH THQG Voronezh tổ chức.Tác phẩm đạt giải: Phim ngắn “Áo xanh”

• Tháng 10/2014: Nhận được học bổng Mediastart - học bổng dành cho những cá nhân có thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa xuất sắc của khoa Báo, ĐH THQG Voronezh.

• Tháng 03/2015: Nhận được bằng khen của Đảng Nước Nga thống nhất nhờ thành tích hoạt động ngoại khóa tích cực.

• Tháng 6/2016: Tự ra mắt cuốn sách Du học Nga. Cuốn sách là những câu chuyện, kinh nghiệm học tập và sinh hoạt xa nhà sau khoảng thời gian 7 năm du học tại đây.


Trần Thanh Thể

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI