Đi tìm nền giáo dục nội sinh: Về một nền giáo dục 'không giống ai'

26/04/2018 - 07:35

PNO - Những vấn đề mà giáo dục không thể cải thiện được như hiện nay là hậu quả tất yếu của một nền giáo dục bậc phổ thông còn kém cỏi và “không giống ai”.

Theo chỉ số đánh giá năng lực học sinh quốc tế (PISA) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố thì nền giáo dục Việt Nam đã được ghi nhận mang tầm quốc tế ở bậc phổ thông, nhưng chất lượng học sinh sau khi lên bậc đại học và khi bước ra thị trường lao động thì chưa tốt như mong đợi.

Đây là nhận định của ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, trong hội thảo tham vấn chiến lược giáo dục đại học Việt Nam tổ chức cuối tháng 3 tại Hà Nội. Vì sao lại có nghịch lý này? Nên cải tổ giáo dục đại học theo hướng nào?

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Vân Nam, người có những nghiên cứu sâu sắc về luật học, giáo dục, kinh tế… 

Di tim nen giao duc noi sinh: Ve mot nen giao duc 'khong giong ai'

Phóng viên: Thưa ông, có lẽ ông đã nghe về nhận định của ông Ousmane Dione, đối với giáo dục Việt Nam qua chỉ số PISA, ông nghĩ sao về nhận định này?

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Vân Nam: Thực tế cho thấy, các chỉ số quốc tế đánh giá sự phát triển các lĩnh vực của một quốc gia chỉ có giá trị tham khảo, chỉ cho thấy phần nào về đối tượng được đánh giá và cũng chỉ tương đối đúng đối với các quốc gia mà số liệu thống kê có thể tin cậy được. Các nền giáo dục có những mục tiêu giáo dục khác nhau thì rất khó so sánh hay đánh giá chung chung. 

Giáo dục là một quá trình liên tục, giai đoạn trước làm cơ sở cho sự phát triển giai đoạn sau. Do đó, không thể nói giáo dục bậc phổ thông ở tầm quốc tế mà chất lượng học sinh đại học và khi tốt nghiệp lại chưa tốt, để cho rằng, chỉ cần đầu tư mạnh vào giáo dục bậc đại học là xong. Đánh giá chính xác nhất về giáo dục là đánh giá kết quả của nó, nghĩa là về sự phát triển một xã hội văn minh, nhân ái và hòa bình; là sự phát triển của đất nước; là trình độ phát triển dân trí, là sự tham gia của giới trẻ, của trí thức vào mọi mặt của những sự phát triển đó. 

* Ông đánh giá thế nào về giáo dục bậc phổ thông ở Việt Nam?

- Xin nói thẳng, giáo dục bậc phổ thông ở Việt Nam còn kém. Trước hết vì đó là một nền giáo dục không bình đẳng do chính sách thu học phí và đủ loại chi phí liên quan đến sự học. Điều này khiến không ít các em nhà nghèo không thể đi học. Trong cùng một lớp, học sinh gia đình khá giả hơn không bị áp lực đóng chi phí học tập, không chịu áp lực có thể phải nghỉ học vì gia đình không đủ tiền đóng học phí, cũng có cơ hội lĩnh hội kiến thức cao hơn hẳn các học sinh nhà nghèo khác phải chịu đủ mọi thứ áp lực tâm lý.

Di tim nen giao duc noi sinh: Ve mot nen giao duc 'khong giong ai'
Sinh viên tìm hiểu thông tin tại ngày hội việc làm Trường đại học Quốc tế - đại học Quốc gia ngày 20/4

Phương pháp giáo dục ở bậc phổ thông của Việt Nam chủ yếu vẫn là nhồi nhét kiến thức, chứ không phải là hướng dẫn, cùng học sinh bước dần vào thế giới của người lớn để học hỏi các nguyên tắc, chuẩn mực, cách ứng xử trong thế giới mà nó sẽ hội nhập và làm quen với tư duy, hành động độc lập. Sau nữa, mục tiêu giáo dục bậc phổ thông ở Việt Nam khác với mục tiêu theo chuẩn mực quốc tế, là: “Học để biết, học để làm việc, học để chung sống, học để làm người”.

* Nhân câu chuyện nhồi nhét kiến thức ông vừa đề cập, thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng học sinh tự tử do áp lực học hành. Có phải nguyên nhân là do ở bậc phổ thông, học sinh bị học nhồi nhét và căng thẳng quá mức? 

- Đúng như vậy. Và những vấn đề mà giáo dục không thể cải thiện được như hiện nay là hậu quả tất yếu của một nền giáo dục bậc phổ thông còn kém cỏi và “không giống ai”. 

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Vân Nam là cử nhân triết học và luật học, tiến sĩ Luật hành chính công, tiến sĩ Luật tổ chức nhà nước và công pháp quốc tế, được phong giáo sư tại Đức năm 2002. Hiện ông là giám đốc điều hành một công ty luật tại TP.HCM.

* Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cần đầu tư mạnh hơn nữa vào giáo dục đại học. Theo đó, phải tìm cách đa dạng hóa và phân bố nguồn tài chính hiệu quả, cân bằng hơn đồng thời phải xây dựng chiến lược phát triển giáo dục đại học với kinh nghiệm toàn cầu. Ông có đồng ý với ý kiến này? 

- Hiển nhiên, không phải cứ có tiền là có nền giáo dục tốt. Vì vậy, ý kiến các chuyên gia như vừa nêu chỉ đúng ở chỗ, điều cần làm ngay để cải tổ một cách căn bản nền giáo dục Việt Nam là bắt đầu cải tổ ở giáo dục bậc đại học. Ta không nên bàn tính cải cách, mà phải cải tổ một cách cơ bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà. 

Trước hết, cần thực hiện bắt buộc phổ cập giáo dục phổ thông miễn phí đến hết trung học. Cần xác định rõ triết lý giáo dục, thay đổi mục tiêu giáo dục cho phù hợp chuẩn mực quốc tế chung; sửa đổi phương pháp giáo dục theo chuẩn mực quốc tế sao cho phù hợp với con người Việt Nam đương đại. Sau cùng, nhưng không kém quan trọng, là phải thay đổi nhận thức và cách thức tiếp thu kinh nghiệm giáo dục của quốc tế. 

* Cảm ơn giáo sư về những chia sẻ trên.

* Cũng liên quan đến yếu tố nguồn nhân lực Việt Nam, báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới công bố trong tổng số 100 quốc gia được đánh giá, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) và các chỉ số liên quan đến đổi mới sáng tạo còn ở mức thấp. 

Thật lạ vì thời gian qua, Việt Nam đã truyền thông rất nhiều về tiềm năng và cơ hội của CMCN 4.0 và nhiều lãnh đạo, chuyên gia khẳng định, Việt Nam hội đủ điều kiện để bắt nhịp và thành công với CMCN 4.0. Có phải chúng ta đang lạc quan quá mức? 

- Hầu hết nền tảng để phát triển công nghiệp 4.0 hiện nay, đều là những thành quả của công nghiệp hóa 3.0 như tự động hóa, công nghệ tin học, người máy, mạng internet… Và cùng với nó là cơ sở hạ tầng về công nghiệp, công nghệ thông tin, cũng như hệ thống pháp luật thích hợp. 

Điều đó cũng có nghĩa là các quốc gia thiếu hụt cơ sở hạ tầng, chưa đạt được một trình độ quản lý công nghệ, một mức độ tự động hóa tối thiểu, sẽ gặp rất nhiều trở ngại và bất lợi khi phát triển công nghiệp 4.0. Toàn cầu hóa, với tất cả những vấn nạn xã hội và thiệt thòi dành cho người lao động, đang thúc đẩy công nghiệp 4.0 lan tỏa với tốc độ nhanh chưa từng thấy trên phạm vi toàn thế giới. Các hậu quả tiêu cực của nó cũng đến tức khắc, ảnh hưởng trên quy mô rất lớn, có thể đến cả sự tồn vong của một dân tộc. 

Công nghiệp 4.0 đang đặt ra câu hỏi mang tính sống còn về sự chính danh và quyền lực tối cao của chính phủ, hoặc một số rất ít người, đang hoặc sẽ trở thành chủ sở hữu độc quyền những ngân hàng dữ liệu số khổng lồ, thu thập và quản lý được toàn bộ thông tin mọi mặt cuộc sống của mỗi cá nhân trong xã hội. 

Chỉ cần một cú click chuột, những chủ sở hữu này có thể xóa xổ, hủy diệt cuộc sống hàng triệu con người cả trong thế giới số (cuộc sống ảo), lẫn trong cuộc đời thực. Trong chừng mực ít cực đoan hơn, họ rất dễ dàng thao túng suy nghĩ, hành động của hàng triệu triệu con người. Điều đặc biệt nguy hiểm là những người bị tháo túng không hề biết mình là nạn nhân.

Tốc độ phát triển công nghiệp 4.0, cũng nhanh chóng mở ra hàng loạt khả năng lợi dụng công nghệ, lợi dụng các hình thức giao dịch mới để lừa đảo trên phạm phi toàn cầu, đặc biệt là nhằm vào người dân ở các nước kém phát triển hơn. Tốc độ phát triển công nghệ càng nhanh, thì khả năng bị lợi dụng càng lớn, trong khi khả năng xác định và tìm ra biện pháp ngăn chặn các hình thức lừa đảo mới một cách kịp thời, càng thấp. Thường là phải  đã có thiệt hại ở quy mô không nhỏ với nhiều nạn nhân, mới có thể bị phát hiện.

Việt Nam còn chưa phát triển đầy đủ các cơ sở nền tảng cho công nghiệp 4.0, trình độ dân trí còn ở mức thấp, trình độ quản lý công nghệ, kiểm soát, ngăn ngừa và quản lý rủi ro các hoạt động liên quan đến trao đổi, giao dịch dữ liệu số còn rất hạn chế, thì rất khó để bắt nhịp và thành công với công nghiệp 4.0. 

Xuân Lộc 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI