'Nhóm nhà giàu', 'nhóm nhà nghèo'... giữa giảng đường Đại học

25/06/2016 - 06:37

PNO - Khoảng cách giàu - nghèo dù không nói ra, song vẫn tồn tại giữa bao thế hệ sinh viên.

Nỗi niềm

"Nhóm nhà giàu", "Nhóm nhà nghèo" là 2 từ được nhiều sinh viên nhắc đi khi nói về sự khác biệt trong suy nghĩ và hành động, lối sống của một số sinh viên đại học, cao đẳng. Ai đi qua thời sinh viên rồi cũng thấy có một thế giới thật khác mà tất cả đều phải thừa nhận, đó là thực trạng chơi theo nhóm ngay giữa giảng đường.

'Nhom nha giau', 'nhom nha ngheo'... giua giang duong Dai hoc
Yêu không dám nói... vì ngại "nhà giàu" (Ảnh minh họa).

V.M - cậu sinh viên năm 3 trường đại học GTVT TPHCM kể lại kỉ niệm ngày đầu nhập học đầy ái ngại, khi các bạn ở quê ra ngơ ngác, lo sợ và ngấn lệ vì phải xa nhà thì các bạn thành phố lại tự tin.

Còn L.P - sinh viên năm 4 - Học viện Báo chí và tuyên truyền tâm sự, dù đã đi gần hết 4 năm theo học tại trường nhưng P. ngại hòa nhập được với những bạn có điều kiện hơn. Lý do mà P. đưa ra là, dường như các bạn có điều kiện hơn thuộc một đẳng cấp "khác hơn nhiều so với các bạn có xuất thân như mình".

"Từ phong cách ăn nói đến đi đứng, tư tưởng nên thường mình ít tiếp xúc với các bạn ấy. Lớp mình vô hình cũng chia ra làm 2 phe. Những bạn có điều kiện hơn thì một phe, những bạn ít còn lại một phe. Chẳng bao giờ đụng chạm, gây gổ, cãi vã đến nhau nhưng cũng có khoảng cách nhất định. Điều này không chỉ mình mà tất cả các bạn trong lớp đều nhận ra", P chia sẻ.

Phản đối ý kiến cho rằng các bạn "thành thị" khó gần nên ngại tiếp xúc, sinh viên Hồng N. (K58- KHXH NV) cho biết: "Dù điều kiện của mình có tốt hơn so với các bạn xuất thân từ quê ra nhưng chưa bao giờ mình nghĩ coi thường hay khó gần với các bạn ấy cả. Mỗi thành phần có những điều kiện khác nhau vì vậy tiêu chí vui chơi, giao lưu giải trí cũng khác nhau.

Ví như, hàng năm, hàng tháng có những buổi liên hoan, hội họp, chúng mình rất muốn tham gia chung, tuy nhiên sở thích mỗi người một khác mà lớp lại đông khó quyết. Nhóm thì thích tổ chức tại nhà hàng, nhóm khác lại muốn nấu nướng tại nhà riêng, hay có những thành phần không muốn tham gia. Thế nên thường những buổi tổ chức ấy, chúng mình chẳng bao giờ thành công, đành chia nhóm ra tự liên hoan với nhau thôi".

Thừa nhận rằng không thích chơi với các bạn ở quê vì các bạn ấy có phần tiết kiệm hơn bình thường nên một số bạn không muốn chơi cùng. Tuy nhiên, về một số khoản học tập, tính nết thì đúng là không thể xem thường các bạn ấy được. Đó là suy nghĩ của Kim A. (ĐH Luật TPHCM).

Yêu không dám nói... vì ngại hoàn cảnh

Bao mối tình đơn phương không dám nói cũng chỉ vì khoảng cách giàu nghèo tồn tại. Anh P. tâm sự, thời sinh viên cũng nhỡ "thầm thương trộm nhớ" một cô gái cùng lớp, dù chẳng mấy khi nói chuyện với nhau. 

"Chỉ vì bạn ấy sành điệu, cành vàng, lá ngọc nên chẳng dám ho he. Thế nên suốt một thời sinh viên đằng đẵng cho đến khi ra trường cũng chỉ nhìn bạn ấy từ xa mà không dám tiến đến gần", anh P. chia sẻ.

'Nhom nha giau', 'nhom nha ngheo'... giua giang duong Dai hoc
Yêu đơn phương (Ảnh minh họa).

T.A (Đại học KHXH và NV TPHCM) chia sẻ: "Đôi khi chúng mình thấy ngại thổ lộ tình cảm với một người mà bạn ấy quá khác mình. Không phải vì tự ti về xuất thân nhưng sợ khó thích ứng khi sở thích vui chơi, ăn uống cho đến những nhóm bạn bè khác nhau cũng là một trở ngại".

Không đồng ý, chàng trai Hà Nội D.M lại cho rằng: "Chính những ý nghĩ ấy xuất phát khiến các bạn ấy không đủ tư cách để làm bạn với chúng mình. Tại sao lại phải phân biệt thế nhỉ. Trong khi không phải bạn nào nhà có điều kiện cũng kiêu ngạo và bạn xuất thân nghèo khó nào cũng tự ti".

Mùa Xuân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI