Khi trẻ bị "dán nhãn đen"

19/12/2016 - 06:33

PNO - Khi người lớn bị tổn thương vì lời nói, một là phản ứng lại, hai là xem như tai nạn. Với trẻ nhỏ, một là buồn, hai là chấp nhận cái nhãn dán ấy, thậm chí để nó tự nhiên trở thành mặc định trong tâm hồn.

Chị bạn tôi có đứa con học lớp 1, mỗi khi hối con đừng lề mề thì thằng bé trả lời, con là một con rùa thì sao mà nhanh cho được. Chị bạn tôi bảo nguyên nhân của sự so sánh này là do năm học lớp lá mẫu giáo, cô giáo thường hay bảo thằng bé chậm chạp như rùa. Chị đã cố hết sức giải thích, tìm mọi cách dẹp bỏ suy nghĩ đó để con tự tin mình là đứa trẻ nhanh nhẹn, thì tình hình có cải thiện. Nhưng thỉnh thoảng thằng bé vẫn chấp nhận mình là “con rùa chậm chạp” với tâm trạng thoải mái.

Nhiều phụ huynh chỉ dạy con làm sao để trở thành đứa trẻ ngoan, phải luôn nghe lời người lớn mà quên rằng, trẻ con cũng cần phải được dạy cách phản kháng để xây dựng lòng tự trọng.

Khi tre bi
Ảnh minh họa. Internet

Cô bạn đồng nghiệp của tôi năm nay đã 40 tuổi nhưng vẫn nhớ như in lời nói của cô giám thị từ thời còn là học sinh cấp I. Khi đó, bạn được gắn cho biệt danh “con quỷ cái khu ga”, chỉ bởi vì chạy chơi cùng các bạn và té đập đầu vào bậc thềm chảy máu. Thời gian có thể xóa mờ và làm thay đổi nhiều thứ nhưng cô giám thị ngày xưa không hề biết rằng, lời nói của cô tuy không sắc bén nhưng lại đủ sức gây sát thương và để lại vết sẹo.

Con gái tôi năm nay 10 tuổi, thỉnh thoảng làm gia đình tranh cãi vì con còn nhỏ mà dám “trả treo” với ông bà. Tôi không bênh con, vì thường thì cháu chỉ bày tỏ suy nghĩ của mình, chẳng hạn như cố gắng giải thích nhạc hip hop có cái hay riêng và không “nhoi nhoi” như ông bà nghĩ để rồi cấm. Tôi dạy con phân biệt rõ ràng, tôn trọng khác với sợ, con có quyền nói lên suy nghĩ của mình với bất kỳ ai.

Chắc có lẽ nhờ mẹ lên dây cót nên con gái của tôi khá tự tin trong việc xử lý những tình huống bị quy kết là đứa trẻ không bình thường. Có lần trong lớp học ngoại ngữ, do bị bạn nam nhiều lần bắt nạt nên con tôi phản đòn, kết quả là con nhỏ đai nâu hai gạch đã hạ đo ván đối thủ. Trong lúc can ngăn, cô giáo trợ giảng của con tôi lên tiếng, con gái gì mà đánh nhau, mất nết quá.

Sau khi nghe tôi giải thích “mất nết” là gì và mặc dù tôi nói rõ con không phải là đứa trẻ hư, con bé vẫn cảm thấy hụt hẫng, ấm ức suốt cả buổi. Ngày hôm sau đi học, con tôi sau khi giảng hòa với bạn đã gặp riêng cô giáo và nói, cô nói con mất nết là đã xúc phạm con, cô xin lỗi con đi.

Giờ nghĩ lại tôi vô cùng cảm ơn cô giáo chủ nhiệm đã can thiệp để con tôi được nhận lời xin lỗi thỏa đáng, nếu không, cái nhãn đen đó sẽ ám ảnh suốt quá trình hình thành nhân cách của một đứa trẻ được dạy dỗ làm người tử tế. Tôi đã cho con thấy rằng, mỗi đứa trẻ trên thế giới này đều là duy nhất, đều có giá trị riêng. Vậy thì, không có ai ngoài bản thân con, có quyền làm giảm đi giá trị đó.

Cái gì cũng có mặt trái của nó, việc để cho con thoải mái nói lên suy nghĩ của mình đôi khi đi quá đà trở thành tranh cãi, thậm chí hỗn hào. Những lúc như thế tôi sẽ phân tích để con thấy rằng, trẻ em cũng có quyền của em nhưng phải có giới hạn và luôn tuân thủ nguyên tắc: không khua tay, múa chân; không được lớn tiếng; chấp nhận và xin lỗi nếu nhận thấy mình sai; trường hợp không phục cũng không được giận dỗi vì đó là ý kiến riêng của mỗi người.

Nguyễn Thị Quý Linh, giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám Q.Tân Phú, TP.HCM

Minh Khuê (Ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI