Cô giáo TP.HCM bị cắt thi đua 1 năm vì dạy thêm: "Tại sao không cấm người học!"

29/09/2016 - 18:45

PNO - Bên cạnh những ý kiến cho rằng "cô giáo quá tham lam khi cố tình vi phạm luật", thì nhiều phụ huynh đã thể hiện rõ thái độ bênh vực, xót thương cho cô giáo bị cắt thi đua 1 năm vì dạy thêm này.

Mới đây, nhiều báo đưa tin trường tiểu học Bành Văn Trân (TP. HCM) đã quyết định cắt thi đua trong năm học 2016 – 2017 đối với cô Đ.T.T.N. vì cô này đã tiến hành dạy thêm với học sinh... gây lên một cuộc tranh cãi lớn trong dư luận.

Cụ thể, cô N. thuê một địa điểm dạy thêm ở quận Tân Bình và dạy thêm 2 nhóm (10 học sinh lớp 4, 5) luyện thi chứng chỉ Cambridge ở cấp độ Movers, Flyers. Chủ yếu đây là các em học sinh của trường Bành Văn Trân. Mỗi tuần học sinh sẽ học thêm của cô N. 2 buổi (mỗi buổi học là 90 phút, với học phí 500.000 đồng/tháng).

Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT nêu rất rõ các trường hợp không được dạy thêm, trong đó không chỉ ở cấp tiểu học mà còn đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập (điều 4, Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT) nên việc dạy thêm của cô N. là trái quy định và đã bị Hội đồng kỷ luật của nhà trường phê bình, nhắc nhở và không xét thi đua trong năm học 2016-2017.

Ngoài ra, cô N. còn phải làm bản tường trình và phải ngưng việc dạy thêm của mình và trả lại học phí cho phụ huynh.

Có cầu nên bắt buộc phải có cung

Câu chuyện của cô giáo N. đã gây nên cuộc tranh cãi lớn trong dư luận. Nhiều thầy cô làm trong ngành giáo dục và đặc biệt các phụ huynh học sinh... bày tỏ thái độ bức xúc trước cách hành xử đối với một cô giáo mang "tội" dạy thêm.

Co giao TP.HCM bi cat thi dua 1 nam vi day them:
Ảnh minh họa.

Anh Vũ Xuân Dương (PGĐ một công ty truyền thông tại Hà Nội) đặt câu hỏi: "Có cầu tất phải có cung. Phụ huynh, học sinh phải muốn đi học thêm thì giáo viên mới có thể dạy chứ. Thế nhưng, tại sao tất cả lại đè đầu lên cô giáo để phạt, để xử lý. Nếu đã xử lý thì phải xử lý phụ huynh, học sinh trước, sau rồi mới xử lý cô giáo này.

Đành rằng, cô giáo cố tình dạy thêm dù luật đã quy định thật. Nhưng, hãy tưởng tượng mà xem, một nhà giáo bị kỷ luật vì đã làm một hành động đúng với nghề nghiệp của mình thì vẫn thật đáng buồn".

Đồng quan điểm với anh Dương, chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (một phụ huynh học sinh tại Hà Nội) cho rằng: "Giống như việc học, việc dạy thêm cũng là quyền của con người, không thể cấm. Người giáo viên này bị động trong lệnh cấm. Tôi không nói đến các phụ huynh không có nhu cầu cho con học thêm, nhưng đối với các phụ huynh có nhu cầu thì sao?", chị Ngọc Anh đặt câu hỏi.

"Là một người mẹ cũng có con đang học tiểu học và học kém, tôi đồng cảm với các phụ huynh mong muốn con mình học tốt hơn, tự tin hơn khi mà cảm thấy kiến thức trong nhà trường đáp ứng chưa thực sự tốt.

Làm thử một phép toán nhé, một lớp học của con tôi gần 40 học sinh, nhưng chỉ có 1 cô dạy tiếng Anh, thay vì 1 lớp học chỉ có 5 học sinh và 1 cô. Chắc chắn lớp học ít ấy sẽ chất lượng hơn nhiều, cô có điều kiện để quan tâm, sửa lỗi cho từng em 1.

Nếu không học nhà cô thì cũng phải học ở trung tâm thôi. Vậy tại sao lại không phải là các thầy cô được dạy", chị Ngọc Anh phân tích.

"Thay vì cấm thì hãy quản lý thật tốt"

Không có nhu cầu cho con đi học thêm, tuy nhiên nhìn nhận một cách khách quan câu chuyện này, chị Nguyễn Thị Thanh Ngọc (nhân viên văn phòng tại TP.HCM) cho rằng lạm dụng dạy thêm tràn lan gây bức xúc xã hội. Tuy nhiên, thay vì cấm thì hãy đưa ra một chế tài quản lý thật tốt. 

"Ví dụ, chúng ta có thể đăng ký và nộp thuế đầy đủ với cơ quan quản lý chẳng hạn, hay quản lý dạy thêm tập trung tại trường... cũng là một đề xuất hay.

Chưa nói đến việc, ngành giáo dục có thu nhập và phúc lợi khá thấp, các nhà giáo cũng có nhu cầu lao động để trang trải thêm cuộc sống như bao người khác, các giáo viên dạy thêm chân chính, họ lao động bằng mồ hôi, nước mắt và tâm huyết nghề nghiệp của họ.

Với lương thưởng theo quy định thì làm sao tái tạo sức lao động để gắn bó với nghề? Không kể các ngành khác được làm thêm ngoài giờ thì cấm giáo viên dạy thêm là không công bằng. Mỗi lần nghe kể thưởng lễ, tết của giáo viên (cấp 2) là mấy chục đến hơn 100 ngàn thấy buồn cùng các thầy cô!", chị Ngọc nói.

Giả sử cô giáo dạy thêm với mục đích tốt cho học sinh, được phụ huynh và học sinh mong muốn, nhờ cậy, tin tưởng... thì sẽ giải quyết sao!?

Lam Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI