Bỏ điểm "sàn": Các trường đại học vào cuộc đua mới

21/12/2016 - 06:49

PNO - Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo quy định bỏ điểm “sàn”. Nếu dự thảo này được thực hiện, sẽ không còn bất kỳ “rào cản” nào từ phía Bộ GD- ĐT đối với các trường ĐH trong việc tuyển sinh.

Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo quy định bỏ điểm “sàn” (ngưỡng đảm bảo chất lượng trong tuyển sinh đại học). Nếu dự thảo này được thực hiện, sẽ không còn bất kỳ “rào cản” nào từ phía Bộ GD- ĐT đối với những ai muốn tiếp cận giáo dục đại học (ĐH) cũng như các trường ĐH trong việc tuyển sinh. Việc này sẽ đặt các trường trung cấp, cao đẳng vào thế khó, các trường ĐH sẽ bước vào một cuộc đua mới.

Giữ điểm "sàn" cũng bằng thừa!

Đánh giá về sự kiện này, Tiến sĩ (TS) Vũ Thị Phương Anh - chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khảo thí, cho rằng đặt ngưỡng giới hạn tối thiểu để được vào học ĐH như bấy lâu là không bình thường. Bởi không ai biết được vì sao điểm “sàn” lại là 13, 14 mà không phải là 12 hay 15. Việc nâng điểm “sàn” lên hay hạ xuống cũng là để đảm bảo cho các trường có thể tuyển đủ chỉ tiêu. Thực tế đào tạo cho thấy, những thí sinh điểm thi thấp vào ĐH không hẳn là học kém.

Cũng theo bà Phương Anh, việc bỏ điểm “sàn” chắc chắn sẽ được đa số các cơ sở đào tạo ĐH và dư luận đồng tình, bởi nó phù hợp với sự tiến bộ, quy luật phát triển và đặc biệt phù hợp với quan điểm: các trường được tự chủ hoàn toàn trong tuyển sinh đã được quy định.

Theo phân tích của TS Lâm Thành Hiển - Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, chất lượng đào tạo tốt hay xấu là do các cơ sở đào tạo, nên việc tuyển sinh như thế nào, điều kiện ra sao phải là do các trường tự quyết và tự chịu trách nhiệm. Theo logic này, TS Phương Anh cho hay, ở Mỹ có những trường ĐH chỉ tuyển khoảng 10% hồ sơ đăng ký, nhưng có trường tuyển đến 90%. Việc lựa chọn ngành nghề, bậc đào tạo cũng do thí sinh tự điều chỉnh và tự chịu trách nhiệm.

Còn ở nước ta? Luật Giáo dục năm 2005 (điều 60) quy định các trường ĐH “được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc tổ chức tuyển sinh”. Luật Giáo dục ĐH năm 2013 cũng xác định “cơ sở giáo dục ĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi và xét, và tự chịu trách nhiệm”.

Bo diem
Thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2016 để xét tuyển vào đại học

Thế nhưng nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT không chịu “nhả” quyền này cho các trường mà tiếp tục “trói” các trường vào một kỳ thi chung và đặt điểm “sàn” cho toàn hệ thống. Để đối phó với quy định của Bộ, không ít trường ĐH đã “lách” bằng cách nới lỏng tay khi chấm bài thi tuyển hoặc cấp giấy trúng tuyển ngay khi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký, thậm chí tuyển cả thí sinh dưới sàn hoặc xin cơ chế đặc biệt - hạ điểm “sàn” cho các trường vùng miền… khiến những “kỷ cương” trở nên lỏng lẻo hơn bao giờ hết.

Xét về ý nghĩa, điểm “sàn” dường như trở nên rất “mờ nhạt” từ vài năm nay. Với các trường ĐH công lập có “số má”, không trường nào quan tâm đến điểm “sàn” (vì điểm chuẩn luôn cao hơn rất nhiều so với điểm “sàn”). Còn ở các trường ĐH tư, trường công lập “tốp dưới” thì luôn thủ sẵn phương án tuyển sinh riêng - xét học bạ - nên cũng không quan tâm lắm đến điểm “sàn”. Ở khía cạnh khác, quyền được học tập suốt đời là bất khả xâm phạm từ lâu được pháp luật bảo hộ, nên chẳng có lý do gì đặt rào cản để cản trở quyền học tập của công dân.

Thị trường sẽ quyết định

Nhiều người lo lắng các trường ĐH sẽ tuyển sinh tràn lan, không loại trừ khả năng một số trường sẽ “ăn xổi”, tuyển sinh dễ dãi, chất lượng đầu vào thấp làm cho sản phẩm đầu ra thấp, doanh nghiệp chê, lại thất nghiệp. Nỗi lo này xuất phát từ thực tế vốn có thật từ những năm qua: nhiều trường vội vã thành lập, vội vã tuyển sinh, rồi nhanh chóng phải đóng cửa.

Thế nhưng, theo TS Phương Anh, việc làm ăn gian dối, “ăn xổi”, “sản xuất” ra “hàng dỏm” thì sẽ không “bán” được, đóng cửa là tất yếu. Cơ chế thị trường cạnh tranh sẽ có hai hệ thống giám sát chất lượng là báo chí (phản ánh thực tiễn) và quản lý nhà nước. Thực tiễn cũng sẽ giúp các trường rút ra những bài học để nâng cao chất lượng. Hệ thống đào tạo theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh sẽ dần được định vị và tạo ra những bước tiến về chất lượng để “sản phẩm” đào tạo ra đáp ứng tốt hơn với yêu cầu sử dụng.

Ông Lâm Thành Hiển nói: “Các trường không thể lừa gạt xã hội mà làm ẩu. Các trường sẽ phải tìm ra cách để làm cho sản phẩm có chất lượng, phù hợp với định hướng và mục tiêu đã cam kết với thí sinh, với xã hội thì mới tồn tại. Cụ thể là phải nghiêm túc trong việc vạch ra định hướng, mục tiêu và có chính sách thực hiện phù hợp như: phải đầu tư chăm sóc cho sinh viên, cho cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên nhiều hơn”. Hiệu trưởng một trường ĐH tư thục khác nhấn mạnh: “Không chỉ trường tư mà ngay cả trường ĐH công cũng đang dần thực hiện quyền tự chủ để vận hành theo cơ chế thị trường”.

Trong điều kiện đó, nếu muốn tồn tại, trường ĐH nhất định phải đào tạo thật tốt, tăng cường trách nhiệm với chính mình và với xã hội. Đã qua rồi thời đua nhau mở trường, mở ngành cốt chỉ dụ thí sinh vào học để hốt bạc.

Về phía quản lý nhà nước, Bộ GD-ĐT đã có các quy định bắt buộc các trường phải thực hiện “ba công khai” (trong đó có công khai về chất lượng đào tạo thể hiện qua tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm) và tham gia kiểm định chất lượng nhằm cung cấp thông tin cho xã hội một cách minh bạch. “Luật chơi” với những nội dung cụ thể đã có, nhưng thời gian qua việc thực hiện còn khá hình thức mà thiếu thực chất, nên khi đi vào cạnh tranh thực sự, thiết nghĩ những nội dung trên sẽ phải thực chất và chuyên nghiệp hơn.

Ông Lâm Thành Hiển cho rằng, Bộ phải tạo ra hành lang pháp lý, đồng thời có cơ chế thực hiện việc giám sát thật nghiêm để buộc các cơ sở đào tạo phải làm thật, làm đúng những gì cam kết với xã hội, tránh báo cáo láo về những kết quả đạt được.

Minh Nhật - Tiêu Hà

Theo PGS-TS Hồ Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, việc bỏ điểm “sàn” ĐH là hợp lý vì vài năm nay nhiều trường đã áp dụng hình thức xét học bạ THPT để tuyển sinh. Điểm tích cực của việc bỏ điểm “sàn” là giúp các trường ĐH có quyền tự chủ về chất lượng sinh viên đầu vào. Nếu trường chất lượng sẽ đặt ra những tiêu chuẩn riêng cho mình để giữ được thương hiệu, uy tín.

ThS Phạm Thái Sơn - Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho rằng, việc bỏ điểm “sàn” ĐH là hợp lý vì hiện nay các trường sử dụng quá nhiều phương án xét tuyển khác nhau nên rất khó có mức sàn chung. Những trường muốn giữ vững “thương hiệu” chắc chắn sẽ không hạ thấp điểm. Việc ai tuyển và dạy dễ dãi, thị trường lao động sẽ tự phân loại.

Hiệu trưởng một trường CĐ nghề than: “Khi Bộ chính thức bỏ điểm “sàn”, việc tuyển sinh của các trường nghề, TCCN-CĐ chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Nhiều năm nay việc tuyển sinh của trường CĐ, TC đã khó rồi do chính sách tuyển sinh đưa ra dành lợi thế nhiều cho bậc ĐH, chỉ tiêu ngày càng phình ra, việc tuyển ngày càng dễ. Mấy năm trước còn có chút rào cản là điểm “sàn”, nếu bỏ luôn thì “giết” các bậc đào tạo khác”.

“Nói bỏ “sàn” nhưng thực chất là vẫn có, đó là kỳ thi THPT quốc gia. Thí sinh nào qua được kỳ thi này chính là đã đạt được yêu cầu tối thiểu để được vào học ĐH. Như vậy, nói bỏ điểm “sàn” nhưng thực ra việc tuyển sinh là không dễ hơn nếu kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức tử tế; đầu vào ĐH có tốt hay không phụ thuộc vào chất lượng kỳ thi THPT quốc gia. (TS Vũ Thị Phương Anh).

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI