Bỏ điểm sàn và nỗi lo

29/03/2018 - 08:49

PNO - Giờ đây, cánh cửa cuối cùng - điểm sàn - đã tháo bỏ thì cảnh “đại hạ giá” để có nhiều “khách hàng” hẳn chẳng còn xa.

Bộ GD-ĐT vừa có quyết định bỏ “điểm sàn” vào đại học (ĐH), trừ các ngành đào tạo giáo viên. Đây là quyết định phù hợp với chủ trương trả lại cho trường ĐH quyền tự chủ và tự quyết nhiều vấn đề, trong đó có tuyển sinh - theo xu hướng của giáo dục ĐH tiên tiến trên thế giới.

Thế nhưng tại Việt Nam, quyết định này lại khiến nhiều người lo ngại rằng, có khả năng dẫn đến tình trạng “tháo khoán”, “bán xổ” chỉ tiêu trong tuyển sinh và đào tạo cho các trường ĐH.

Bo diem san va noi lo

Sự nghi ngại ấy không vô cớ, bởi giáo dục ĐH Việt Nam hiện chưa có sự phân tầng. Một thị trường giáo dục còn dựa vào niềm tin thì để chọn được món hàng tốt hay xấu là do may rủi cũng là lẽ đương nhiên.

Cả hệ thống giáo dục ĐH mà không có bất kỳ trường ngoài công lập nào không vì lợi nhuận thì đồng nghĩa tuyển sinh nhất thiết phải gắn liền với lợi nhuận của nhà đầu tư. Từ đó, chuyện các trường mở toang cửa đón càng nhiều người học càng tốt cũng dễ hiểu.

Diễn biến trong công tác tuyển sinh từ nhiều năm qua có thể dự báo viễn cảnh này. Khi còn điểm sàn khống chế thì các trường tận dụng các điều khoản điểm ưu tiên để… né điểm sàn. Khi bộ cho phép tuyển sinh bằng học bạ phổ thông thì lập tức các trường dành tỷ lệ lớn chỉ tiêu để xét tuyển học bạ. Và giờ đây, cánh cửa cuối cùng - điểm sàn - đã tháo bỏ thì cảnh “đại hạ giá” để có nhiều “khách hàng” hẳn chẳng còn xa.

Những năm trước, khi còn kỳ thi “3 chung” và chưa có quy định điểm sàn, một học sinh khu vực 1 nông thôn chỉ cần 6 điểm cho 3 môn đã đậu ĐH. Nhưng năm nay, với những quy định mới, chỉ cần đạt 3,03 điểm cho 3 môn theo tổ hợp xét tuyển (1,01 điểm cho mỗi môn), thí sinh đã đủ điều kiện nộp hồ sơ vào ĐH, nếu trường ĐH không đặt ra ngưỡng điểm tối thiểu để nhận hồ sơ.  

Cũng chẳng có vấn đề gì, bởi được học ĐH là quyền của mỗi người. Và cũng chẳng có vấn đề gì nếu các trường ĐH làm thật, đào tạo thật. Nhưng như đã nói, càng có nhiều người học thì các trường càng được nhiều lợi nhuận, người ta sẽ “tạo mọi điều kiện” để ai cũng có thể theo học và tốt nghiệp ĐH. Hậu quả là vô vàn cử nhân, kỹ sư được đào tạo nhưng không có thực chất.

Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường lao động sẽ điều tiết, trường nào đào tạo không tốt sẽ bị đào thải. Nhưng trước khi thị trường kịp thẩm định sản phẩm đầu ra của các trường thì hàng ngàn, hàng vạn người học và xã hội đã lãng phí không biết bao nhiêu tiền bạc, thời gian và cơ hội một cách vô ích. 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI