Bản lĩnh của giáo viên chủ nhiệm

22/05/2018 - 09:04

PNO - Bản lĩnh của giáo viên chủ nhiệm là biết lắng nghe, hiểu thấu tâm tư học sinh để tránh lối hành xử áp đặt; biết chấp nhận sự khác biệt của mỗi học sinh; biết “trị bệnh” tâm lý cho học trò mình ở độ tuổi nổi loạn.

Trong buổi đại hội cha mẹ học sinh cuối năm học ở một trường cấp II, vị phụ huynh vốn ít nói bất ngờ đứng lên phát biểu: “Tôi có ý kiến góp ý với giáo viên chủ nhiệm, nếu cô không đủ bản lĩnh thì năm học sau đừng làm công tác chủ nhiệm lớp nữa. Hãy mạnh dạn từ chối khi ban giám hiệu phân công”.

Góp ý của phụ huynh này khiến không khí cuộc họp chùng xuống. Nó có vẻ bất nhẫn với cô giáo nhưng sâu xa lại đúng sự thật.

Ban linh cua giao vien chu nhiem
 

Bản lĩnh của giáo viên chủ nhiệm trước hết là phải biết nói không với bệnh thành tích. Nếu được giao chủ nhiệm một lớp giỏi, thầy cô sẽ không bằng mọi cách nhồi nhét kiến thức cho học sinh để lớp chỉ toàn điểm A và cuối tuần được xếp hạng nhất.

Nếu bị giao làm chủ nhiệm lớp yếu, thầy cô cũng không phải tự tạo áp lực cho mình và ép học trò chạy theo các lớp khác để mỗi khi vào lớp phải mang bộ mặt nghiêm khắc, thái độ lạnh lùng hay biến giờ dạy thành giờ truy vấn, xét hỏi gây cho các em sự chán ngán giờ học, sợ gặp mặt thầy cô. 

Bản lĩnh của giáo viên chủ nhiệm còn là biết lắng nghe, hiểu thấu tâm tư học sinh để tránh lối hành xử áp đặt; biết chấp nhận sự khác biệt của mỗi học sinh; biết “trị bệnh” tâm lý cho học trò mình ở độ tuổi nổi loạn.

Vì thầy cô  không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là nơi để các em tin tưởng chia sẻ, tâm tình; là người truyền cảm hứng để các em cảm nhận “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Nghe thật buồn cười khi trong một buổi đại hội cha mẹ học sinh, cô chủ nhiệm đứng trên bục giảng “năn nỉ” phụ huynh rằng: “Nhờ các anh, chị về nói với các em vào lớp hạn chế… hỏi lung tung, vì nếu giáo viên trả lời các em thì mất thời gian và… rối lắm ạ!”.

Cô giáo nói xong, phụ huynh không khỏi thất vọng, thở dài. Bởi lớp học trong giờ học là của thầy cô, không ai có quyền xâm phạm. Thầy cô là người chủ động trong các tiết học, trong giáo án của mình, chứ không phụ thuộc vào các em, để các em dẫn dắt. 

Bản lĩnh của giáo viên còn là việc biết nhìn ra cái chưa hoàn thiện, cái mình còn giới hạn; đồng thời luôn tìm tòi, học hỏi những điều mới mẻ nhằm bồi dưỡng cho khả năng chuyên môn cũng như nghệ thuật quản lý lớp ngày càng phù hợp; để các em luôn nhớ về thầy cô của mình với những kỷ niệm đẹp, những lời dạy dỗ thấm thía và cả tình cảm thân thương. 

 Hiền Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI