NSƯT Hữu Châu: Tôi sống bằng sự vay mượn cuộc đời người khác

28/02/2015 - 14:00

PNO - PN - Gần bước sang tuổi "tri thiên mệnh", NSƯT Hữu Châu bảo ông chỉ là mình khi trên sàn diễn - sống bằng sự vay mượn cuộc đời người khác.

edf40wrjww2tblPage:Content

1. Ngay sau đêm diễn Dạ cổ hoài lang 

* Nhìn anh lúc này thật… tệ. Nhân vật ông Tư chết vì ngâm mình giữa tiết trời giá rét, chết vì sự cô độc, băng giá của tình thân gia đình - để chí ít nghệ sĩ (NS) Thành Lộc được “nghỉ mệt” vài phút trên sân khấu; còn ông Năm - mừng mừng tủi tủi khi nghe tiếng kêu xin lỗi của cô cháu gái xen lẫn nỗi đau vì người bạn già đã trút hơi thở sau cùng, ông Năm cười mà nước mắt xót xa tiễn bạn - khiến NS Hữu Châu như “hết hơi” vì lớp diễn đắt này…

NSUT Huu Chau: Toi song bang su vay muon cuoc doi nguoi khac
"Tôi thích cảm giác khi ngồi vẽ mặt làm tuồng vì như thế là mình vẫn còn được làm nghề" - NSƯT Hữu Châu

NSƯT Hữu Châu: Không riêng gì tôi, Thành Lộc cũng đang rất mệt. Để có vài giây Lộc tựa nhẹ đầu vào vai tôi - như bạn thấy - trước đó, anh ấy đã “tung hoành” ca lẫn diễn với bản Dạ cổ. Ngay cả động tác ngồi im “nghỉ mệt” đấy, cũng là sự nuôi giữ đường dây tâm lý cho bạn diễn, cho vở diễn. Bạn thấy không, trong Tình mẫu tử, không gian sân khấu rần rần, NSND Ngọc Giàu giữ im lặng rất lâu, nhưng khi bà thốt lên hai tiếng “trời ơi”, tất cả vỡ vụn, tất cả im bặt.

Hoặc như trong Đời cô Lựu, một câu thoại đơn giản, trong veo của nhân vật Võ Minh Luân (NSƯT Minh Vương) “ba nói chuyện với má đi ba…”, lập tức, đường dẫn cho lớp ca - diễn kinh điển được hình thành. NSND Bạch Tuyết đã từng phải cảm ơn “sự im lặng trong góc tối của Minh Vương”, bởi đó là cái nền vững chắc cho sự thăng hoa ngoài ánh sáng của Bạch Tuyết - Thanh Sang.

Khi tôi diễn Bí mật vườn Lệ Chi, kết thúc vở, có hai nhân viên hậu đài phải có mặt để dìu tôi vào hậu trường vì thật sự, tôi không còn sức để nhắm hướng mà bước. Vào đến hậu trường, vẫn nhìn một thành hai. Nghề này ngó vậy mà cực lắm, tàn phá sức người ghê gớm. Nhưng, nếu được ra đi ngay trên sàn diễn, ngay trong đêm diễn thì đó là hạnh phúc tuyệt vời của người NS. Ngay lúc bạn thấy tôi… tệ như thế này lại là lúc tôi sướng nhất.

* Thoại kịch tròn vành rõ chữ, tiết điệu nhấn nhá rõ nét, thăng - gián, trầm - bổng sáng trưng; các động tác lên cao xuống thấp, ra vào đều thấp thoáng vũ điệu trình thức. Có thể nhận thấy anh và NS Thành Lộc đã dùng nghệ thuật kịch hát để biểu diễn kịch nói, điều mà không phải NS kịch nói nào cũng ý thức và khai thác, ngay cả những NS, diễn viên của IDECAF?

NSUT Huu Chau: Toi song bang su vay muon cuoc doi nguoi khac
Vãn tuồng, vái Tổ, lau son phấn và trở về nhà...

- Đúng. Tôi không biết phải diễn giải nghĩa của từ như thế nào nhưng tôi và Lộc là “con nhà nòi”, nói theo dây, nói trong dây nhạc đã thành máu, đã là hơi thở của anh em chúng tôi. Như sáng ra, má vẫn hỏi tôi, hôm nay con có đi tập tuồng không (mà không phải là đi tập vở), tối nay con hát tuồng gì (mà không phải là biểu diễn vở gì).

Tôi vẫn nói với các em trẻ lứa sau mình, mặc một cái áo thụng, đội cái mấn quan, lập tức động tác ra bộ phải tương thích; ngay cả khi diễn kịch sinh hoạt với dáng đi, lối nói của thời hiện đại thì cũng không thể là sự mô phỏng hoàn toàn từ đời thường lên sàn diễn. Nếu như thế, kịch không cần tồn tại.

* Ý tưởng giàu có, nghệ thuật diễn xuất tuyệt vời, cảnh trí trong một số cảnh tàm tạm và… kỹ thuật xử lý cảnh trí thì đậm tính thủ công. Xin lỗi anh khi phải mô tả như thế này, chuyển cảnh với các động tác kéo màn, bưng bê vài ba bục bệ… Rõ ràng, so với thế giới sáng tạo nghệ thuật vốn vô biên thì cái gọi là “vỏ vật chất” của một vở diễn, rạp hát xem ra quá tụt hậu…

(Cười chua chát) - Đành phải thế! Có muốn hơn, muốn khác cũng không thể. Ngay tại IDECAF, khi còn hoạt động dưới sự điều hành của người Pháp, rạp tinh tươm, trong từng suất diễn đều có nhân viên của IDECAF túc trực để cùng chăm sóc khán giả. Còn bây giờ… Ngay khu vực hậu trường, chỗ chúng tôi ngồi hóa trang, nước xả của máy lạnh cứ nhỏ đều, ướt nhẹp, anh em NS báo để sửa chữa nhưng cứ nghe hứa cho đến giờ.

* Tham gia truyền hình thực tế; đảm nhận vai trò giám khảo truyền hình trong các game show, xuất hiện tại các sự kiện dập dìu tài tử giai nhân… Với Hữu Châu, tại sao lại không nhỉ?

- Không thích hợp lắm với tuổi tôi, tính tôi, thế thôi. Tôi không chê bai các chương trình giải trí ấy nhưng tôi nghĩ, tôi đã gần bước tới tuổi năm mươi, tôi làm cái gì phải… coi cho được. Vả lại, mình đâu thể biết hết, tiếng Anh không rành, mà các chương trình giải trí trên truyền hình hiện nay chủ yếu nhập format từ nước ngoài, lỡ thí sinh “văng” ra tiếng nào, thông tin gì mình không hiểu, cái mặt dòm chắc khó coi, khó đỡ lắm.

Điều quan trọng nhất, tôi-chỉ-là-tôi trên sàn diễn sân khấu, là khi mà tôi sống-bằng-sự-vay-mượn-cuộc-đời, số-phận-người-khác. Tôi nói, tôi khóc, tôi cười cho số phận người khác, tôi đau giùm họ, tôi yêu thương họ và tôi sống trong họ; họ mượn cơ thể tôi, tiếng nói của tôi để tượng hình, để vẫy vùng, để… chết đi. Tôi làm được hết. Còn khi tôi xuất hiện với cái tên Hữu Châu, nói những điều mà Hữu Châu nghĩ, Hữu Châu làm, tôi rất lọng cọng.

Tiền, tôi rất cần để trang trải cho cuộc sống gia đình, nhưng tôi đã phải từ chối tham gia các sự kiện (vốn được trả tiền để xuất hiện). Chỉ bởi vì tôi không thể mặc veston quá ba mươi phút. Các nhà sản xuất phim, họ mời tôi vào vai nào mà chỉ mặc đồ thoải mái, nghĩa là con nhà nghèo, càng mộc càng dễ cho tôi. Vậy đó.

NSUT Huu Chau: Toi song bang su vay muon cuoc doi nguoi khac

NSUT Huu Chau: Toi song bang su vay muon cuoc doi nguoi khac
Cặp đôi liên danh Thành Lộc - Hữu Châu trong Dạ cổ hoài lang (ảnh trên) và Ngàn năm tình sử

2.

Ngay cả khi tìm ra thủ pháp gián cách để rồi được suy tôn như một nhà cách tân vĩ đại của kịch nghệ thế giới thế kỷ thứ XX thì B. Brecht (1898 - 1956) vẫn giữ một cái nhìn khá… cay nghiệt về sân khấu (truyền thống). Ông xem nhà hát là “quầy bán thuốc mê”, người ta trước khi bước vào rạp coi hát là đã cởi bỏ và quên đi những nhọc nhằn, vất vả, đau khổ, cố gắng để vui cười, hả hê cho những số phận vay mượn nào đó để rồi sau đó lại quay về với thực tại tối tăm của mình.

Nếu thế, hẳn những NS như Kim Cương, Thành Lộc, Hữu Châu… là những “người bán thuốc mê”? Và công chúng bao thế hệ hẳn đã “mê muội” vì những Trà hoa nữ, cô Diệu, Chu Xung, Lữ Đạo Kinh, Nguyễn Trãi, Quốc công Nguyễn Lê…?

Có lẽ, con mắt “gián cách” đầy lý trí của B.Brecht - tách bạch mối hòa cảm giữa diễn viên và khán giả - đã phần nào nhìn thấy sự hòa nhập như thể bị… thuật thôi miên giữa khán giả và vở diễn. Không nhiều nhưng hầu hết những vở diễn có cặp đôi Thành Lộc - Hữu Châu trình diễn, họ đã làm được, thậm chí thách thức điều mà B.Brecht cảnh báo.

Nhạc cảm trong họ bàng bạc, cho nên mỗi thoại kịch, từ độc thoại đến đối thoại đều chuyển tải đầy đủ âm điệu, âm sắc của sáu dấu, hai thanh (bằng - trắc) của tiếng Việt. Không lơ lớ, không pha trộn, không lẫn lộn giữa phát âm nói và phát âm… đọc, không kéo cao thì the thé, bỏ thấp thì chẳng nghe được chữ nào. Họ xướng âm, diễn âm từ hiểu đến cảm; từ cảm nhận đến phát triển thành ý nghĩa muốn biểu đạt. Và dĩ nhiên, trong hành động kịch, thao tác biểu diễn, họ tiết chế hay thăng hoa thì cũng trên nền tảng của bài bản trình thức, vũ đạo. Xem Thành Lộc - Hữu Châu trong Bí mật vườn Lệ Chi, Vua thánh triều Lê hay cả ở vở kịch tâm lý xã hội Dạ cổ hoài lang sẽ nhận thấy rõ điều đó.

Ở Hữu Châu, đặc biệt là trong một vài sở đoạn, anh diễn kịch nói-không-lời. Đó không phải là kịch câm. Khẩu hình NS vẫn mở nhưng không phát thành âm. Vậy mà khán giả khóc - cười theo cái vô thanh kỳ lạ ấy. Một cái phẩy tay, một cú nhếch mép, đôi ba tiếng lào khào, bạn diễn bị cuốn theo, khán giả nghiêng nghiêng ngả ngả…

NSUT Huu Chau: Toi song bang su vay muon cuoc doi nguoi khac
Nhận hoa của khán giả khi trời đã sang ngày mới...

Cái phong mạo ấy, cái chất giọng ấy và những mảng miếng quăng bắt, bao giờ cũng toát lên thần thái hào sảng, phóng khoáng nhưng cũng lắm tư lự...

Tôi đọc báo, thấy Hữu Châu bảo người bạn diễn mà anh hợp nhất chính là NS Tú Trinh. Một giọng chuẩn của Sài Gòn - Nam bộ. Tôi đi xem anh diễn, không tìm thấy Tú Trinh mà là Hoàng Trinh, Lê Khánh… Hoàng Trinh đằm thắm, mực thước, có phần… thiệt thà; Lê Khánh duyên không chê vào đâu được, diễn nhiệt thành, tươi tắn nên đôi chỗ… thiếu buồn! Tú Trinh bặt tăm, nhớ chị, người ta mở băng cassette, audio cũ để nghe lại giọng đọc. Và thế là trên sàn diễn IDECAF, Trần Cao Vân, vô tình, Hữu Châu - Thành Lộc thành một cặp liên danh của mảnh đất kịch nói Sài Gòn.

Hỏi anh về việc có cần phải… đổi gió một chút để đời vui hơn, khán giả cũng đa dạng hơn, chẳng hạn anh có thể là NS khách mời của sân khấu kịch Hồng Vân hay Nhà hát kịch - Sân khấu Nhỏ, sân khấu Hoàng Thái Thanh, Hữu Châu bảo, các anh chị, bạn bè, em út vẫn mời tôi sang diễn nhưng tôi là người ít thích thay đổi. Tôi về IDECAF đã 18 năm tròn, họ đối xử với tôi tử tế, tôi làm sao mà đi. Hơn nữa, tôi cũng muốn những khán giả của mình nếu còn thương và thích xem tôi hát, cứ đến sân khấu này. Tôi không thích để khán giả của mình đi tìm mình ở chỗ này chỗ kia.

“Đã có lúc tôi hư. Biết mở màn đúng 8 giờ tối nhưng tôi đến trễ tí, thoa vội son phấn, mặc vội phục trang, khi tôi bước ra sàn diễn, nhìn thấy những gương mặt chờ đợi, những ánh mắt chăm chú, tôi tự trách mình và hứa với lòng sẽ không bao giờ cẩu thả như thế nữa. Khán giả thương tôi, vãn tuồng, họ đứng bên kia đường, chờ tôi lau hết son phấn ra về, họ gật đầu chào, rồi thôi. Họ sợ tôi mệt, họ ngại làm phiền tôi. Khi tôi ra sân khấu, bất thần bị ho, tôi cố gắng để diễn tròn vai. Vậy mà mấy hôm sau, có một thùng thuốc trị ho gửi đến tận nhà tôi. Hoặc mới hôm qua, tôi được khán giả tặng hũ mắm, giỏ trái cây. Cho đến giờ, tôi vẫn không biết họ là ai.

Cũng vì lẽ đó, má tôi dứt khoát cấm không cho con cái mua bán, kinh doanh gì cả. Má bảo, Tổ còn cho làm nghề, cho ăn cơm Tổ, còn được khán giả thương thì cứ lo mà hát, mà diễn cho đàng hoàng, không mua mua bán bán gì cả”.

“Nhưng, đôi khi đời hát cũng… bạc lắm, thưa anh”. Tôi ái ngại. Hữu Châu gật đầu: “Tôi biết và tôi chấp nhận”.

3.

Bà Nguyễn Thị Thơ, tức bà bầu Thơ, bà nội của NSƯT Hữu Châu là vợ ba của ông hội đồng ở Tây Ninh, có bốn người con, trong đó có NS Hữu Thình, ba của Hữu Châu và NSƯT Thanh Nga. Năm 1949, bà bầu Thơ đi bước nữa với ông Lư Hoài Nghĩa, tức nhạc sĩ, soạn giả, NS Năm Nghĩa, sinh ra NSƯT Bảo Quốc. Năm 1950, ông bà lập gánh Thanh Minh. Năm 1958, NS Thanh Nga đoạt giải Thanh Tâm, gánh mới đổi thành Thanh Minh - Thanh Nga.

Ông Năm Nghĩa, một thầy giáo làng mê đờn ca tài tử, cũng chính là người phát triển bản Dạ cổ hoài lang nhịp 4 thành nhịp 8, là bước nhảy vọt để sau này, bản Vọng cổ nâng lên nhịp 16, 32, 64. Bà bầu Thơ, một người không biết nhiều chữ nghĩa nhưng khi chồng đột ngột qua đời, bà một tay gánh lấy Thanh Minh - Thanh Nga, đưa tên tuổi của gánh hát này trở thành một “đại bang” của sân khấu cải lương. NS Thanh Nga được cha dượng truyền nghề, cô đào vẹn toàn thanh - sắc này đã trở thành một huyền thoại của sân khấu cải lương.

NSUT Huu Chau: Toi song bang su vay muon cuoc doi nguoi khac
NSƯT Hữu Châu và mẹ - NS Thanh Lệ

Danh hài Bảo Quốc có “truyền nhân” là con gái Hồng Loan và cháu nội Gia Bảo; NSƯT Thanh Nga thì có con trai Hà Linh; NS Hữu Thình - Thanh Lệ thì có NSƯT Hữu Châu, NS Hữu Lộc…

Cơ đồ ấy, vinh quang lắm, nghiệt ngã cũng nhiều.

Năm 1978, NS Thanh Nga bị ám sát cùng chồng sau suất hát. Người anh ruột của Hữu Châu đi hát ở Hà Nội, đột ngột bị bệnh và mất. Năm 1985, NS Hữu Thình qua đời. Năm 2012, NS Hữu Lộc cũng ra đi vì một tai nạn bất ngờ…

Phải chăng đời hát xướng rày đây mai đó, đã vận vào cái định mệnh khốc liệt của đại gia đình Thanh Minh - Thanh Nga để những sự ra đi cứ nối tiếp trên đường lưu diễn. Cái họ để lại là những vai diễn, vở diễn, những luyến lưu sâu thẳm, những tiếc nuối muôn đời.

Cái cách Hữu Châu nói về những mất mát, về định mệnh của những người trong gia đình anh nghe thật bình thản. Anh không tránh né, không giãi bày. Sự điềm tĩnh ấy, lẽ nào phảng phất hình ảnh của bà nội anh? Trong những ngày lễ tang Thanh Nga, bà bầu Thơ không khóc. Bà ngồi im như pho tượng, chỉ đạo đoàn gấp rút dựng tập vở Thái hậu Dương Vân Nga, tìm NS thay vai của Thanh Nga. Một tháng sau, tóc bà bạc trắng.

Ngày Hữu Châu chào đời, bà nội thỉnh khánh Tổ về nhà. Khánh Tổ bao nhiêu năm là Hữu Châu bấy nhiêu tuổi. Tuổi thơ hạnh phúc lẫn đắng cay, tuổi trẻ với bao ước mơ và thử thách, cho đến lúc tuổi đời, tuổi nghề đều điểm sương, khánh Tổ vẫn ngự trị thiêng liêng nhất trong ngôi nhà của đại gia đình Thanh Minh - Thanh Nga, trong cuộc đời của anh kép Hữu Châu. Vậy mà một hôm bất ngờ màn kính khánh Tổ rơi ra, bể vụn. Con cháu trong nhà tìm mọi cách dán lại, ai cũng lo sợ những điều không may nữa lại ập đến. Và rồi, “thằng Trum (tên tục của NS Hữu Lộc) mất. Tôi điếng hồn. Đau quá!”.

Hôm hẹn cà phê, anh bảo anh chiều tôi nên mới chịu vào cà phê máy lạnh, chứ thường thì anh ngồi vỉa hè. Anh khoe anh biết nhiều quán ăn ngon trong mấy con hẻm, hễ thèm món nào là mấy đứa cháu hay học trò xách xe máy chở anh đi. “Cô Ba Thanh Nga hồi đó nổi tiếng rần rần mà sống giản dị lắm. Cô Ba cũng khoái đi ăn chè, ăn hủ tíu bình dân vầy nè…”. Hữu Châu vui vẻ nhớ lại.

“Chỉ có điều, từ ngày thằng Trum mất, tôi hơi sợ khi ra đường. Sài Gòn bây giờ nhà cao cửa lớn, thành phố đẹp hơn, hiện đại hơn nhưng cũng bất an hơn. Ngày xưa, bà nội, ba má dạy, ra đường, nếu đi ngang nhà có đám tang thì phải dừng lại, mở nón, cúi đầu. Bây giờ, tôi đi xe gắn máy, đội nón bảo hiểm, không mở nón được thì cũng chạy xe chậm lại, cúi đầu. Nhưng nhìn quanh, tiếng xe cứ nẹt pô, tiếng cười nói vẫn rào rào. Cái lễ nghĩa, lễ phép của Sài Gòn sao giờ vắng đâu mất…”.

Vẫn cái giọng nhẹ thênh, không gợn chút than trách, oán thán, Hữu Châu thổ lộ: “Có hai khoảnh khắc mà tôi yêu nhất trong ngày, đó là khi tôi ngồi vẽ mặt làm tuồng trước giờ ra hát và sau đêm hát, vãn tuồng, tôi một mình trở về, lọt thỏm trong không gian của riêng mình. Má thương tôi, lúc nào cũng chuẩn bị sẵn cho tôi một dĩa mồi, tôi mua hai lon bia và độc ẩm trước khi trời trở sáng”.

Không có tiếng thở dài mà sao vẫn nghe ra nỗi cô quạnh quanh mình, vẳng lại trong tôi mấy câu thơ mà ông giáo khả kính Hoàng Như Mai, đúng hơn là một phút ưu tư của kịch sĩ Hoàng Như Mai: “Buông bức màn rồi… danh vọng hết/ Người về lòng rũ sạch sầu thương/ Người vào cởi áo lau son phấn/ Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường”…

LÊ HUYỀN ÁI MỸ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI