Ảo vọng nhan sắc

03/02/2017 - 08:00

PNO - Mỗi đợt gửi thí sinh đi tham dự các cuộc thi nhan sắc thế giới, trong nước, những tín đồ của cái đẹp bản địa lại như ngồi trên đống lửa và ngùn ngụt khí thế để chắc mẩm, năm nay, Việt Nam sẽ được vinh danh.

Chắc chắn một điều rằng, mỗi bộ váy, mỗi cử chỉ của các thí sinh Việt Nam tại các cuộc thi quốc tế luôn luôn nhận được những quan tâm săn đón và cả những chỉ trích. Sự chỉ trích lên xuống ít nhiều tuỳ từng mức độ của cuộc thi cũng như tương quan lực lượng nhưng lần nào cũng có và nó thể hiện sự quan tâm của khán giả quê nhà được gửi gắm vào thân hình, nhan sắc mỗi thí sinh mang trên mình hai chữ "Việt Nam".

Chính từ sự quan tâm đôi khi hơi quá đà đó mà mỗi bộ trang phục dân tộc (không phải quốc phục) khi được công bố là chắc chắn ăn...gạch đá. “Rườm rà”, “trang phục dân tộc nào đây?”, “đây mà là quốc phục Việt Nam ư?”, v.v... Chửi, ném đá là vậy thế nhưng khi trang phục đó đoạt giải rồi giúp thí sinh lọt top thì tất cả đều... xí xoá. Trường hợp Khả Trang tại Hoa hậu Siêu quốc gia năm rồi là một ví dụ.

Rồi cả đầm dạ hội, rồi trang điểm làm tóc, hằng hà sa số những comment để khen ngợi, để chỉ trích… tất cả cũng chỉ để thể hiện một quan điểm rằng: Đã đến lúc nhan sắc Việt "lên tiếng". Đầm dạ hội, cũng là nhà thiết kế Việt Nam làm cho người đẹp Việt mặc thì bị chê tơi tả nhưng, vô phước, thí sinh nước ngoài mặc đăng quang thì mũi dùi lại quay lại chỉ trích nhà thiết kế trong nước rằng: Sao không may cho thí sinh Việt Nam để toả sáng?

Ao vong nhan sac
Nguyễn Thị Loan rạng rỡ tại Miss Grand International 2016

Mà, vấn đề đâu nằm ở chiếc váy.

Quay ngược lịch sử, còn nhớ năm nào, Hoàng Yến đại diện Việt Nam đi thi đấu trường Hoa hậu Hoàn vũ, dư luận trong nước được phen xôn xao khi Hoàng Yến được các diễn đàn đánh giá cao, cho rằng lọt top. Thế nhưng, thực tế năm đó, Hoàng Yến với đầy đủ nhược điểm cơ thể lẫn trình diễn đều không thể đáp ứng được nhu cầu của Hoa hậu Hoàn vũ. Sau đó vài năm, đến lượt Phạm Hương lại dấy lên 1 cơn sốt khác.

Cũng từ các diễn đàn, mà số đông cho rằng "uy tín", đưa ra những nhận định dựa trên các bức ảnh để rồi từ đó cư dân Việt lại sống lên cơn ảo tưởng rằng chiếc vương miện sắp bay về Việt Nam. Thế nhưng, thực tế, Phạm Hương cũng có những ngược điểm về cơ thể và cả biểu hiện để ngôi vị hoa hậu là một điều xa xỉ.

Thế nhưng, thất bại là vậy vẫn được mang danh "rạng danh nhan sắc Việt trên bản đồ Thế giới" dù số điểm mang về là con số không tròn trĩnh. Còn có những nhan sắc như Khả Trang, Nguyễn Thi Loan đi thi đều đặn, mang điểm về thì lại không được nhắc nhớ nhiều. Ví dụ như Nguyễn Thị Loan chẳng hạn. Với thành tích top 25 tại cả hai cuộc thi Hoa hậu Thế giới và Hoa hậu Hoà bình Thế giới, Loan chắc chắn là thí sinh ghi nhiều điểm nhất cho Việt Nam trên hệ thống chấm điểm của bảng xếp hạng nhan sắc các quốc gia mà không phải là ai khác trong năm rồi.

Muốn chạm tay tới chiếc vương miện cao quý, trước hết cần một chiến lược cụ thể và cộng thêm may mắn. Không thể mãi cái tình trạng người trong nước khen thí sinh đẹp đến khi ra nước ngoài mới ngã ngửa ra chúng ta chìm ngỉm giữa một rừng nhan sắc. Thí sinh giỏi là một chuyện, chiến lược thi đấu lại là chuyện khác. Cứ nổi bần bật từ ngày đầu xong ngày càng chìm ngỉm các hoạt động bên lề thì cầm chắc thất bại.

Hãy nhìn các thí sinh các quốc gia, họ từ tốn trong các hoạt động từ ngày đầu tiên để rồi ngày càng tăng tốc. Còn thí sinh Việt Nam thì ngược lại, "lồng lộn" từ ngày đầu nhưng càng lúc càng đuối trong chặng đua. Thí sinh nước ngoài họ cân đối sức tốt. Chỉ dồn lực cho các sự kiện chấm điểm và quan trọng để toả sáng còn lại các hoạt động ngoại khoá hằng ngày họ “giữ lực” bình thường, đơn giản tối đa để hạn chế sức và thời gian chuẩn bị. Còn thí sinh Việt thì cứ cầu kì trong các hoạt động không chấm điểm và xuề xoà trong các sự kiện quan trọng.

Đừng coi rằng mỗi cuộc thi nhan sắc là một sân chơi. Hãy nghĩ đó là một gameshow và cần có chiến lược đường dài cùng sự chuẩn bị chu đáo, hợp lí cộng thêm chút may mắn, thí sinh Việt có thể sẽ được để ý.

Còn nhớ Phạm Hương là tiêu biểu. Người ta cứ khen một cô gái Việt là "nhan sắc Tây" giữa một rừng nhan sắc "Tây xịn". Người Việt sắc tố da không sáng thì các cô đi tắm sáng trắng nhưng quên mất rằng để đọ về độ trắng của da thì chủng da Vàng sao lại với chủng ra Trắng được. Đó là chưa kể các quốc gia Bắc Á cũng vô cùng trắng nữa.

Nguyễn Thị Loan là một ví dụ tiêu biểu cho việc "biết mình biết người". Cô chịu khó tập thể dục để có một cơ thể săn chắc, không chút mỡ thừa cộng với một làn da nâu bóng khoẻ khoắn nên việc lọt top là nhìn thấy trước.

Các cường quốc sắc đẹp như Venezuela, Mexico, Nhật Bản chẳng phải ngẫu nhiên mà rất thản nhiên khi thí sinh họ trượt. Đơn giản họ hiểu, cuộc chơi này được nắm giữ luật chơi bởi BTC, khi gửi thí sinh tham dự quốc gia nào cũng hiểu rằng nhu cầu mong muốn chiến thắng không chỉ có ở mỗi riêng mình, nhưng thực tế có chiến thắng được không lại là chuyện khác. Họ không đổ lỗi mà thay vào đó quay về để đào tạo thêm các nhan sắc khác sẽ tiếp bước các cuộc thi sau đó.

Ao vong nhan sac
Khả Trang và trang phuc dân tộc do NTK Lê Long Dũng thiết kế

Còn người Việt lại thiên về đổ thừa. Hết đổ lỗi cho BTC về việc không chọn thí sinh xứng đáng vào bán kết lại quay ra đổ lỗi cho thí sinh Việt vì không giỏi tiếng Anh để trượt giải. Như với Nam Em chẳng hạn. Họ quên mất rằng đa phần các Hoa hậu khu vực Nam Mỹ lên ngôi đều nhờ... phiên dịch. Hoa hậu Pháp vừa trở thành Hoa hậu Hoàn vũ 2016 mới đây cũng thế, cô thậm chí thừa khả năng trả lời bằng tiếng Anh nhưng cô đã chọn ngôn ngữ Pháp. BTC chấm điểm dựa vào cả một quá trình, dựa trên biểu hiện, thần thái chứ không chỉ chấm trên mấy phút mà khán giả có thể nhìn thấy được.

Có lẽ cũng đã đến lúc, những ảo tưởng nhan sắc của người Việt nên thực tế hơn để bớt đi tình trạng "Mẹ hát con khen hay". Thật, dôi khi nghĩ mà thấy thương BTC các cuộc thi nhan sắc quốc tế khi có thí sinh Việt tham gia.

Đức Thành

Global Beauties đã cập nhật bảng tính điểm, ghi nhận thứ hạng quốc gia tham dự các cuộc thi nhan sắc thuộc hệ thống Grand Slam của năm 2016. Theo đó, trong khi 2 nước khác trong khu vực là Phlippines và Indonesia xếp thứ Nhất và Nhì với  20,3 và 19,4 điểm thì Việt Nam chỉ có 2,1 điểm, dừng chân ở vị trí 34. Các điểm số của Việt Nam có được từ thành tích của Nguyễn Thị Loan (top 20 tứ kết Miss Grand International 2016); Dương Nguyễn Khả Trang (top 25 tứ kết Miss Supranational 2016) và nhà thiết kế Lê Long Dũng (giải Trang phục dân tộc Miss Supranational 2016). 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI