Vì sao con thích đi học?

18/09/2017 - 10:26

PNO - Ba năm đồng hành cùng con đi học ở Úc, tôi thấy bọn trẻ rất vui thích khi đến trường, ngay cả những ngày đầu tiên đi học.

Người Úc đã có bí quyết gì để tạo được sự ham thích đi học nơi trẻ? Tôi đã thử quan sát xem chúng ta có thể học được gì từ họ?

Ba năm trước, con gái Cherry của tôi lần đầu tiên đến trường. Đón con về, tôi hỏi ngay:

Vi sao con thich di hoc?
Cherry và các bạn cùng lớp luôn hứng thú đến trường

- Hôm nay con đi học thế nào?

- Tốt, rất tốt ạ! (Bé nói: good, very good, mum!).

- Tốt là sao nhỉ?

- Các bạn dễ thương lắm, ai cũng hỏi thăm con, chơi với con, ôm con suốt. Con còn được các bạn dẫn đi toilet.

- Sao lại được các bạn dẫn đi toilet? (Tôi ngạc nhiên vì nhớ ở Việt Nam mình đi học bao giờ cũng tự đi toilet một mình. Mà tôi rất sợ cái toilet ở trường, vừa nồng nặc mùi, vừa vương vãi giấy, lại ở góc khuất! Tôi thường phải nhịn đợi đến khi về nhà).

- Thì khi con muốn đi toilet, các bạn Lily và Mayble dẫn con đi. (Mãi sau này tôi mới biết nguyên tắc ở trường là học sinh đi toilet hay đi làm việc gì khác trong trường thì phải có ba trẻ cùng đi. Một nguyên tắc cho thấy sự chu đáo của những người làm giáo dục ở Úc).

- Còn cô giáo thì sao con? 

- Sharlene và Kathy ấy à?

- Gì? Phải nói cô Sharlene và cô Kathy chứ! (Tôi chấn chỉnh ngay).

- Đâu có mẹ! Cô dặn gọi tên là được rồi. Tụi con cũng gọi những thầy cô khác bằng tên thôi. Jim này, Jenny này... Cả trường ai cũng vậy. (Hóa ra là nhà trường muốn đứa trẻ có vị thế như người lớn khi ở trường. Thầy cô hay học sinh đều có vị thế như nhau!)

- Ồ... các cô ấy thì sao?

- Cô Sharlene dạy cả lớp. Cô giải thích cho con nhiều thứ nhưng con không hiểu lắm (vì vốn tiếng Anh của bé lúc đó còn hạn chế). Cô nắm tay con kéo qua chỗ này, chỗ kia. Vui nhất là lúc cô xòe hai tay đập lên đập xuống, rồi nhảy tưng tưng mà con vẫn không hiểu.

Cả lớp phá lên cười, cô cũng cười... Xong cô nói gì với một bạn trai. Bạn ấy lấy một quả bóng đập đập, rồi nhảy nhảy... Lúc đó, con mới hiểu là chuẩn bị đi chơi bóng rổ! (Con bé kể lại mà vẫn còn cười ngặt nghẽo).

- Ôi! (Tôi thấy biết ơn sự nhẫn nại của cô giáo). Còn cô Kathy thì sao con? (Cô Kathy là cô giáo hỗ trợ trẻ đặc biệt và khuyết tật của lớp; đồng thời phụ giúp các hoạt động khác trong lớp).

- Cô ấy không liên quan tới tụi con nhiều (ý là không dạy tụi con nhiều). Cô hay bế và mát-xa cho bạn kia (giấu tên). Mỗi lần bạn ấy giận là cô xoa chân, xoa tay... Có khi bạn ấy la lối nằm ra giữa nhà, cô cũng nằm bên cạnh...

- À hả?... (Sau này tìm hiểu, tôi mới biết bạn ấy bị tự kỷ nhưng vẫn được vào học lớp bình thường. Nhà trường cử thêm một cô giáo xuống lớp vừa phụ cô Sharlene, vừa chăm sóc riêng bạn ấy. Trường học ở Úc rất quan tâm đến những trường hợp học sinh khó khăn, cần giúp đỡ.

Ở cả nước Úc cũng vậy, đối tượng được ưu tiên luôn là những nhóm người kém may mắn. Bãi đậu xe có khu riêng cho người khuyết tật, nhà vệ sinh cũng có chỗ riêng cho người khuyết tật, người vô gia cư có những ngày được ưu tiên mua sắm ở các trung tâm thương mại lớn...)

- Có gì vui nữa không con?

- Cô còn chụp hình cả lớp nè mẹ (bé lấy hình trong cặp ra), rồi cô ghi tên mỗi bạn dưới hình, để tụi con về nhà nhớ tên các bạn.

- Con còn có giấy khen nữa kìa!

- Ồ, giỏi thế à con! (Tôi thầm thắc mắc, ngày đầu đi học thì làm gì mà có giấy khen? Mở giấy khen xem, hóa ra là tờ Chúc mừng ngày đầu tiên đi học. Cô giáo ký tên và ép nhựa cẩn thận phát cho mỗi bạn. Bạn nào nhận được cũng rất tự hào).

- Gì nữa con nhỉ?
- Mai con hóa trang thành cướp biển vui vẻ. Thầy hiệu trưởng sẽ là thuyền trưởng. Tụi con diễu hành và tìm kho báu.

- Ồ!
- Cô đưa cái này cho mẹ...

Đó là một cái túi cô giáo gửi riêng cho phụ huynh. Một quyển sách để đọc cùng con. Một quyển vở dạng như nhật ký đọc sách, để hai mẹ con đọc xong thì thảo luận rồi mẹ giúp con ghi vào. Một tờ giấy hướng dẫn ngày mai sẽ học bài tiếng Anh về chủ đề Cướp biển và kho báu.

Phụ huynh hóa trang cho con mình thành cướp biển. Nếu học sinh có em nhỏ hơn thì cũng mời hóa trang để tham gia. Cô còn cẩn thận cắt cho Cherry miếng dán cướp biển một bên mắt và cho mượn khăn choàng đầu cướp biển... 

Vi sao con thich di hoc?
Cherry rất được cô giáo quan tâm

Sau này, khi đã quen biết hơn, tôi tò mò hỏi nhanh các bạn của Cherry về lý do các bạn thích đến trường. Biết mình là mẹ của Cherry, các bạn tranh nhau trả lời rôm rả. Ty muốn đi học để gặp các bạn. Hudson thích các trò chơi của cô. Bạn khác thích chăm sóc cây dâu con trồng trong vườn trường.

Bạn khác thích giúp các anh chị lớn cho gà ăn. Bạn lại thích hóa trang thành lính cứu hỏa. Có bạn thích lớp hip hop vì thầy giáo nhảy đẹp và hay mang bánh kẹo cho học sinh ăn... Tôi nhớ nhất là câu nói của chị-kết-nghĩa trong trường của Cherry. Bé này đã học lớp 6 và nhận nhiệm vụ chăm sóc Cherry ở trường.

Mỗi học sinh đều kết nghĩa với một anh chị lớp lớn trong trường; gọi nhau là ”buddy”. “Chị” ấy nói, con muốn đến trường vì đó là nhà của con. Con có rất nhiều việc tốt để làm ở đó. 

Chỉ vài chuyện nho nhỏ như thế nhưng đã cho tôi rất nhiều cảm xúc đan xen, phần lớn là bất ngờ. Ngay cả với vai trò một phụ huynh, tôi thấy mình cũng có quá nhiều thứ để học.

Nguyễn Thị Như Quỳnh
Nghiên cứu sinh tại Khoa Giáo dục, 
ĐH Monash, Úc 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI