Tôi 'khổ đường ôsin'

09/08/2018 - 06:00

PNO - Tôi hay đi công tác về lúc khuya. Nằm xuống bên cạnh cậu con trai nhỏ, hít hà mùi mồ hôi chua lè của thằng nhóc, tôi hiểu ngay rằng người giúp việc lại quên nhắc nó tắm gội lúc chiều...

Việc đầu tiên trong buổi sáng hôm sau của tôi luôn là dọn dẹp. Tại sao đã có người giúp việc mà tôi lại phải đích thân “động thủ”? 

Thì gia đình, con cái, nhà cửa, bếp núc là của mình, dẫu có thế nào thì cũng không thể khoán trắng cho ôsin được. Dù có trả lương hậu hĩnh hay may mắn kiếm được người giúp việc có tâm, thì họ cũng không thể thay thế hoàn toàn bàn tay nữ chủ nhân ngôi nhà được. 

Toi 'kho duong osin'

Chớ tưởng rằng, cái xó bếp chẳng có gì quan trọng hoặc khó nhằn mà lầm. Bếp núc chính là trái tim của ngôi nhà, nơi khiến căn hộ có thật sự là một tổ ấm hay không.

Để hiểu được “chân lý” ấy, tôi từng phải đóng học phí. Chính là khoảng thời gian tôi lu bù vừa làm vừa học thêm, đi từ sáng sớm tới tối mịt, đến khi ngó lại thì con gái bị suy dinh dưỡng và tăng độ cận.

Bà giúp việc hồi ấy đã nuông chiều con tôi bằng cách hay cho nó ăn bánh kẹo rồi ngồi coi ti vi, để bà rảnh rang qua hàng xóm tám chuyện. Mỗi khi cần kiếm bà, tôi đều phải chạy lòng vòng để tìm xem bà đang la cà ở đâu.

Biết bà hay bỏ mặc, ít chăm sóc hai đứa trẻ, nhưng vì bận bịu nên tôi chỉ nhắc nhẹ rồi tặc lưỡi nghĩ “kệ, ít bữa rồi tính tiếp”. Hiểu tôi khó bề quản lý xuể, bà còn tranh thủ bớt chút gạo, mắm, vật dụng, mang bán cho tiệm tạp hóa đầu hẻm.

Khi phát hiện ra, tôi đã rất hối tiếc, cảm giác vô cùng day dứt và có lỗi với con. Tôi chấp nhận đánh đổi: bớt việc, giảm thu nhập, chịu tốn kém để tìm một “trợ lý việc nhà” mới.

Các chị, các cô giúp việc thường chia ra hai mẫu khác biệt: hoặc mó tay vào mọi thứ nhưng làm theo kiểu đối phó, hoặc ôm đồm và chuyên quyền như thể họ mới là chủ nhà thực thụ.

Cứ thử hình dung nhé, tôi đang dạy con gái học thuộc lòng mấy câu ca dao, tục ngữ, thì nghe bà giúp việc đành hanh: thôi con Cà rốt dẹp vô đi, mai mẹ mày đi làm bà dạy lại cho, mẹ mày dạy tao chẳng ưng gì hết.

Khỏi phải nói, tôi vừa đứng hình vừa nghẹn họng, chỉ muốn phang ngay vài câu cay nghiệt. Nhưng tôi đã cố dằn lòng, hiểu là do mình một phần. Nếu ngày bà mới vào làm, tôi không thân tình bảo: “nhờ bà ở nhà coi ngó dạy dỗ thêm cho cháu”, thì chắc đã không nhận lấy hậu quả hôm nay.

Toi 'kho duong osin'
Tôi học được biết bao bài học nhờ có ôsin trong nhà. Hình minh họa

Để hai người đàn bà hợp tác vui vẻ với nhau trong căn bếp nhỏ hẹp là chuyện không hề đơn giản. Thời buổi kiếm chồng còn dễ hơn tìm ôsin, nên làm gì dám la mắng hay ra lệnh. Nói nhẹ nhàng, có “dạ” phía trước, có “giùm” phía sau mà còn khó nữa là.

Tôi từng nghe một tuyên bố xanh rờn rằng, “chị không cần phải dặn dò, sai biểu gì đâu, tui tự biết phải làm gì. Cái gì tui không làm là đều có lý do hết”. Tin nổi không, đấy là lời giao kèo của chị ôsin mới, khi tôi còn chưa kịp nhăm nhe thỏa thuận về các việc chị sẽ phụ đỡ mình.

May sao, nhờ tôi kiên nhẫn để chị “tự giác”, kèm theo chút nhờ vả khéo léo, dần dà chị cũng cởi mở hơn, không còn đòi tự tung tự tác như ban đầu nữa. Tôi chỉ âm thầm, kín đáo dõi theo chị và căn bếp nhà mình, để điều chỉnh hoặc thêm bớt sao cho êm.

Giải thích tại sao lại khăng khăng đòi làm chủ bếp, chị ôsin kể về chủ cũ. Rằng cái gì cũng chỉ đạo, việc nào cũng xen vào, riết rồi chị phải xin nghỉ cho đỡ mệt đầu. Không tin tưởng nhau thì làm sao có thể chung sống trong một mái nhà.

Bản thân tôi cũng vậy, tùy theo từng giai đoạn mà lưu tâm quá nhiều tới con cái, bếp núc hoặc bận rộn buông luôn, mặc cho người giúp việc xoay xở. Để rồi dần nhận ra, cả chủ nhà lẫn ôsin, cái gì “quá” thì cũng không ổn.

Toi 'kho duong osin'
Chuyện bi hài về người giúp việc thì nhiều lắm. Hình minh họa.

 “Khổ đường ôsin” là than thở của nhiều chị em thời bận rộn bây giờ. Chuyện bi hài về người giúp việc thì nhiều lắm, ai ở trong chăn mới hiểu. Làm cách nào để phụ nữ có thể yên tâm giao căn bếp cho một người ngoài, được giải phóng khỏi mối lo việc nhà nhưng cái guồng gia đình vẫn êm ả quay, là cả một vấn đề. 

Đâu thể giao phó hết mọi thứ cho người giúp việc, cũng đừng lăm le với tâm thế bà chủ. Hãy cứ tùy theo tâm tính của người giúp việc mà tế nhị chọn cách đối xử cho phù hợp. 

Gia Khánh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI