Thật may, cha mẹ không đẩy tôi vào mặc cảm

21/04/2018 - 05:58

PNO - Với những trẻ đã bị xâm hại tình dục hay đang nghi vấn bị xâm hại, khi cần hỏi han, điều tra để đưa kẻ ác ra xử tội cũng cần có sự tiếp cận vô cùng khéo léo.

Rất may, nhờ được cha mẹ chuẩn bị tâm lý và cả những cách đối phó tình huống rủi ro từ nhỏ nên tôi đã thoát khỏi tay kẻ xấu ngay phút cuối. Khi tôi chạy về nhà với vết trầy trụa, khóc và sợ hãi, cha tôi đã nổi điên lao đi tìm kẻ đó.

Nhưng sau đó, gia đình tôi đã bình tĩnh trở lại. Và dù có lẽ rất đau nhưng cha mẹ tôi cố gắng đưa cuộc sống trong nhà trở lại bình thường. Mẹ luôn ở bên cạnh, động viên tôi. Xung quanh tôi, bạn bè vẫn chơi với tôi như trước… Những nỗi sợ hãi người khác giới, ám ảnh trong giấc ngủ kéo dài thêm một thời gian… rồi qua đi. 

That may, cha me khong day toi vao mac cam

Phi Ngọc Ánh (diễn viên, cascadeur)

Từ những gì đã xảy ra với chính mình, tôi nghĩ vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ vượt qua sang chấn tâm lý sau khi bị xâm hại là phụ huynh. Hãy làm sao cho trẻ hiểu rằng, trẻ hoàn toàn không có lỗi, tất cả chỉ là một tai nạn. Trẻ không làm gì xấu, chỉ có người đã thực hiện những hành vi đó mới là người xấu.

Hãy giúp trẻ hòa nhập lại với cuộc sống, bằng cách cho trẻ tham gia các hoạt động thể dục thể thao, tiếp xúc với người tốt. Thời gian đầu, nên tránh cho trẻ tiếp xúc nhiều với người khác giới cùng độ tuổi với kẻ đã xâm hại trẻ.

Với những trẻ đã bị xâm hại tình dục hay đang nghi vấn bị xâm hại, khi cần hỏi han, điều tra để đưa kẻ ác ra xử tội cũng cần có sự tiếp cận vô cùng khéo léo. Đừng bao giờ thể hiện sự mất bình tĩnh, kinh hãi, đau khổ hay giận dữ một cách bột phát trước mặt trẻ. Càng nên tránh những trách móc, la rầy kiểu như: “Sao con không nói ngay với mẹ? Sao con ngu thế?...”.

Tất cả những cách tra hỏi đó sẽ khiến trẻ cảm thấy mọi việc trầm trọng, nặng nề và mình là người xấu. Khi trẻ đã lớn, nếu thấy trẻ vẫn còn ám ảnh thì phải giúp trẻ đối mặt với sự thật. Có thể sẽ là những cơn đau đớn, vật vã thêm một thời gian, nhưng rồi nếu với ý thức của một người trưởng thành và hiểu rằng mình không có tội, mọi việc sẽ qua đi.

Phi Ngọc Ánh (diễn viên, cascadeur)

Mẹ cũng nên vào lớp chống ấu dâm

Tôi thường xuyên mở các lớp huấn luyện kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục cho trẻ và đó là tâm huyết của tôi. Cùng các chuyên gia tâm lý, chúng tôi chỉ dẫn cho trẻ những kỹ năng giúp bảo vệ bản thân như:

- Bài học đầu tiên đó là trẻ phải gọi đúng tên các bộ phận trên cơ thể, nhất là bộ phận sinh dục. Đây là điều giúp trẻ có thể nói đúng được sự việc xảy ra với mình khi cần tố cáo hành vi xâm hại. 

- Chỉ cho trẻ những điểm cấm trên cơ thể không được để bất cứ ai đụng đến.

- Chỉ cho trẻ biết những dấu hiệu nhận biết người có hành vi xấu (cách nhìn, cách nghe, cách nói, những đụng chạm tay chân). Chỉ cần có hai hành vi báo động là đã phải tránh xa người đó hoặc thông báo cho cha mẹ, thầy cô.

- Chúng tôi cũng dạy trẻ xử lý tình huống như cách để thoát ra khi bị ôm, bị nắm giữ, lôi kéo.

Trẻ thích học những bài học như vậy dưới hình thức những trò chơi. Với những khóa học như thế này, tôi nghĩ mẹ nên tham gia cùng trẻ. Sự phối hợp, chia sẻ, hiểu biết của cha mẹ với con cái sẽ khiến các kỹ năng được tiếp thu một cách tốt nhất.

Huấn luyện viên Phi Ngọc Ánh

Chỉ có tin yêu mới chữa lành

Khi sự việc đáng tiếc xảy ra, nếu tại gia đình, trẻ cần cách ly ngay để thấy được bảo vệ an toàn. Người lớn đứng về phía trẻ, lắng nghe khi trẻ cần, cho trẻ gặp chuyên viên tâm lý. 

That may, cha me khong day toi vao mac cam
Các em gái là nạn nhân xâm hại tình dục vui đùa, ca hát nhân lễ cưới của chị cả lớn lên từ nhà OBV

Tại nhà OBV (nơi chăm sóc nuôi dưỡng tạm thời các bé gái bị xâm hại, nô lệ tình dục và có nguy cơ cao bị xâm hại ở Q.9, TP.HCM) đã giúp hơn 200 bé trong gần 10 năm hoạt động. Khi được đón vào đây, tinh thần các bé sợ sệt, mới sang chấn lại phải xa gia đình. Cách ly khỏi môi trường cũ là tốt nhưng gia đình phải thường xuyên quan tâm, động viên, chăm sóc, tránh cho trẻ cảm giác bơ vơ, bị vứt bỏ.

Quan trọng nhất là cho trẻ cảm thấy mình được lắng nghe, chia sẻ và được bảo vệ.  Thời gian để trẻ hòa nhập là khoảng một tháng, thời gian vượt qua và chữa lành tùy vào mỗi cá nhân, không có chuẩn chung nào. Hoàn cảnh mỗi em khác nhau nên cách hỗ trợ tinh thần của chúng ta cũng khác nhau. Có những trẻ thể hiện vẻ ngoài hồn nhiên, vô tư, tưởng chừng đã quên nhưng thực ra là “giấu rác dưới thảm”. Nhưng chắc chắn tất cả đều vượt qua và chữa lành nếu nhận được sự tin tưởng và tình yêu thương. 

 
(Chi hội trưởng chi hội Khoa học tâm lý giáo dục Nhịp cầu hạnh phúc, quản lý nhà OBV)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI