Những mảng màu kỳ diệu

21/04/2017 - 09:21

PNO - Những buổi dạy và học vẽ của L và các em, sẽ là những mảng màu kỳ diệu tưới xanh tâm hồn của các em, như trong câu chuyện “Cá hồi” tuy viết về cá hồi nhưng ta vẫn cảm nhận ra bóng dáng con người trong đó.

Một chiều mưa rả rích cuối năm, Pôn, Liu, Sasha và bạn gái chuẩn bị những phần quà tết sang giao lưu với các bạn trẻ em đường phố trong lớp học do cô T quản lý, và L, bạn mình đang dạy vẽ ở đó.

Đó là lớp dạy vẽ tự nguyện dành cho các bạn nhỏ tuổi cấp 1, cấp 2 trong xóm lao động nghèo, cha mẹ là dân di cư nay đây mai đó. Các bạn tới trước giờ kết thúc chừng nửa tiếng để cùng vẽ, cùng hát, cùng chơi với nhau. Nhìn những ánh mắt vui tươi, những nụ cười ngây thơ của các em hẳn bạn sẽ nghĩ thế giới trẻ thơ thật đơn giản, nếu không nghe L kể về những mảnh đời ở đó.

Nhung mang mau ky dieu

Tối nay quán cho về sớm nên em chạy thẳng tới đây vì nhớ lớp, nhớ cô, nhớ bạn bè. Rồi bữa nọ lớp có bạn mới, một cô bé cũng chừng mười tuổi, suốt mấy buổi học không nói bất cứ tiếng nào khiến ban đầu L còn tưởng bạn ấy câm, hỏi gì không nói, chỉ chăm chú vẽ. Sau đó L mới được các em trong lớp bảo, rằng nhỏ đó đầu gấu lắm, nó dữ tợn, nói tục lắm cô ạ.

Cứ mỗi lần L kể cho mình nghe các câu chuyện trong lớp, mình thấy L trăn trở nhiều lắm. Có lẽ chính vì thế, dù cái lưng L bị chấn thương phải mang băng đỡ đi lại khó, dù có những ngày mưa tới ngập đường, L vẫn vượt một chặng đường dài trên 10 cây số để đến với các em.

Vì L biết, suốt cả tuần các em bắt đầu một ngày lao động từ 4, 5 giờ sáng khi con gái mình còn ngủ, đứa bán vé số, đứa phụ hồ, đứa chạy bàn, thì tất cả các em đều mong chờ đêm cuối tuần có lớp vẽ, nơi các em được sống trong thế giới tưởng tượng đầy màu sắc.

Ra khỏi lớp, các em có thể là những đứa bé miệng chửi thề liên tục, có thể là đầu gấu đường phố, có thể là thằng ăn cắp; nhưng bước chân vào lớp, thì chỉ còn những ánh mắt trong sáng, những nụ cười thánh thiện, những tâm hồn khát khao được học, được vẽ, được sống đúng với tuổi thơ mà các em đáng hưởng.    

Thương L và các bạn nhỏ. Một ngày nào đó, L phải viết thật nhiều về những mảnh đời đó nhé. Còn bản thân mình, chỉ mới cảm nhận được ít ỏi qua những giọt nước mắt của Ly, qua câu chuyện L kể, qua vài buổi cùng chơi với các em. Nhưng mình luôn tin rằng, những bức tranh L đóng khung tặng các em để treo lên mảng tưởng trong căn phòng thuê tạm bợ của gia đình, ít nhiều cũng là giọt nước mát mỗi tối khi cha mẹ các em trở về sau một ngày lao động nặng nhọc. 

Mình luôn tin rằng, những buổi dạy và học vẽ của L và các em, sẽ là những mảng màu kỳ diệu tưới xanh tâm hồn của các em, như nhà văn Ahn Do-hyun trong câu chuyện “Cá hồi” tuy viết về cá hồi nhưng ta vẫn cảm nhận ra bóng dáng con người trong đó “Là cá hồi có nghĩa sẽ sinh ra từ sông, bơi ra biển, đến khi cứng cáp lại ngược về nguồn đẻ trứng, rồi tan biến vào dòng suối mẹ. Cá hồi Ánh bạc biết điều đó, nhưng nó nghĩ hẳn phải có lý do nào đó cho việc mình sống trên đời. Lý do đó có thể là nhìn ra thế giới trên mặt nước, đuổi theo cầu vồng hay một lẽ sống đặc biệt nào đó”.

Nhung mang mau ky dieu

Cám ơn lớp học của chị T, cám ơn L, học trò của em chắc chắn sẽ tìm được những chiếc cầu vồng đầy màu sắc của riêng mình. Xin tặng L bài cảm nhận của con trai chị sau khi đi thăm lớp về, dù câu chữ còn vụng về lắm, nhưng đó là những cảm nhận từ trái tim còn rất hồn nhiên, trong sáng, luôn tin vào những điều tốt đẹp.

Cám ơn em đã cho các cháu vốn được may mắn hơn học trò của mình có cơ hội được làm những chiếc móc, với ý thức được gần hơn với những chiếc khuy, biết yêu thương hơn trong cuộc đời này.

“Từ khi mỗi con người được sinh ra, cái bản chất tốt đẹp luôn chiếm toàn bộ khắp cả cơ thể. Loài vật cũng thế, ai ai hay con gì sinh ra cũng chan chứa đầy tình yêu thương và một thứ gọi là “nhân từ”. Và nhờ đó, chúng ta mới nảy sinh ra thứ gọi là “từ thiện”.

Gần đây, tôi cũng đã tới một nơi để làm từ thiện và không thể nào diễn tả được cảm xúc của tôi lúc đó. Khi đi thăm những đứa trẻ đường phố, trong lòng tôi có một cái gì đó rất là mãnh liệt thôi thúc tôi phải làm mọi thứ để làm cho tụi nó vui tươi. Tôi có cảm giác rằng trong tim mình như có một cái móc và trong tim những đứa trẻ ấy có những cái khuy để tôi có thể móc nó để đưa nó gần lại với niềm vui hơn.

Tôi tin rằng đây cũng có thể là định nghĩa của nhân từ, mỗi khi chúng ta nhìn vào mắt một người khó khăn hơn mình, một người lính dang tay đầu hàng thì chúng ta gián tiếp nhìn thấy những cái khuy từ trong trái tim của họ đang chờ sự giúp đỡ của chúng ta. Nghe thì có vẻ hơi phi lý đấy nhưng đó là quan điểm và nhận định của tôi.

Ngoài ra, tôi còn một điều muốn nói nữa đó chính là về cái tâm của mỗi người. Con người chúng ta ai nhìn bề ngoài cũng có thể rất là cứng rắn, nhưng khi lột đi cái bề ngoài và lớp vỏ ấy, tất cả chúng ta đều là những con người đầy nhân ái và thánh thiện mà thôi. Chẳng hạn như bài hát “To make a big man cry” của Tom Jones, nó đơn thuần nói về lòng cảm động và thương người của tất cả chúng ta cho dù chúng ta có cứng rắn cỡ nào. 

Tôi tin rằng lòng nhân từ là thứ to lớn và mạnh mẽ nhất cho dù một người có cứng chắc cỡ nào cũng phải gục ngã. Có ai trong chúng ta dám bắn một người khi họ không còn đạn và không còn đường chống trả? Tất nhiên là không rồi. Thế nên, hãy sống như không có ngày mai và giúp đỡ càng nhiều người càng tốt nhé vì chỉ có như vậy mới làm chúng ta ngủ yên giấc thôi. Còn cái cuối cùng, nhớ tạo ra nhiều cái móc nha”.

Hoàng Dạ Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI