Nhóm lửa vì ai?

07/06/2018 - 06:01

PNO - Tôi nghĩ hẳn là có rất nhiều người đàn bà như mẹ, cả đời chỉ biết nhóm bếp vì người khác.

Khi chúng tôi còn nhỏ, nhà nghèo lắm. Bếp nhà nghèo thường không có gì ngoài khoai sắn. Sáng sớm, mẹ dậy nhóm bếp để nấu xôi sắn hoặc rang cơm độn sắn. Mấy anh em tôi thường thức dậy khi ngửi thấy mùi thơm từ dưới bếp. 

Nhom lua vi ai?
 

Đã có lần tôi tự hỏi, quanh năm ăn khoai sắn nhưng sao vẫn thấy ngon? Cũng có thể vì đói, vì không có sự lựa chọn nào nên người ta biết yêu những thứ mình có. Nhưng hơn hết, ấy là vì mẹ nấu ngon quá. Dường như bao nhiêu tình cảm mẹ dồn cả vào căn bếp, tình thương con gói trọn vào những món ăn. Xôi sắn của mẹ vừa dẻo vừa thơm, hành lá xắt nhỏ rắc lên, vừa đủ để cồn cào cơn đói. Bánh đa sắn mẹ nướng trên than củi, chín vàng đều thơm nức mũi, đủ để giòn tan trong miệng các con.

Mẹ bận lắm, hết đồng cạn đến đồng sâu. Hết làm việc nhà đến đi làm thuê hoặc đổi công cho hàng xóm. Thế nhưng, mẹ vẫn luôn dành thời gian vào bếp nấu những món ăn vặt cho các con. Kẹo lạc, kẹo chè lam, ngô luộc, đỗ rang. Hôm nào mưa không ra đồng, mẹ sẽ trổ tài làm bánh sắn. Ngày ấy không có mỡ, bánh thường được rán bằng lá chuối. Những món ăn của mẹ đã an ủi phần tuổi thơ nghèo khó của các con. Nó sóng sánh kỷ niệm qua năm tháng thăng trầm. Mẹ đã nhóm lửa vì chúng tôi như thế.

Mấy chục năm trôi qua, mẹ vẫn giữ thói quen vào bếp vì một ai đó, chứ không phải vì mình. Nêm nếm cho khẩu vị của người khác chứ không phải của mình. Khi thì khách đến nhà, nấu món này món kia vì biết khách thích ăn. Khi thì các con về, mẹ tất tả chợ búa, lúi húi bếp núc nấu xốt vang cho con gái, thịt rán cho cháu nội, canh ngao cho con dâu. Vẫn kịp nhớ con trai thèm ăn món dạ dày luộc giòn sần sật. Đến bữa, dọn mâm ra nhìn không có món nào mẹ nấu cho mình. Con cháu cũng không biết mẹ thích ăn món gì. Mẹ lúc nào cũng quanh quẩn rau xanh, cơm nguội. “Mẹ thì ăn gì chẳng được. Miễn là các con vui”.

Mẹ lẫn lộn khẩu vị của mình trong khẩu vị chồng con, như đã từng quên bản thân mình vun vén cho tổ ấm. Mẹ thuộc típ phụ nữ không thích đòi quyền bình đẳng trong xó bếp. Bếp là của mẹ. Bếp đầy yêu thương. Cho dù mẹ có ướt đẫm mồ hôi thì cũng là giọt mồ hôi hạnh phúc. Có những ngày đau yếu, nhà không có ai mẹ vẫn gượng dậy nhóm bếp vì con chó, con mèo cần nồi tép kho, cần cơm ăn. Vì nếu không nhóm lửa thì lòng người sẽ lạnh. Thế thôi.

Nhom lua vi ai?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tôi thường vào bếp cuống cuồng vội vã, khi ngẩng lên ngoài trời đã tối, khi ngó đồng hồ, thấy chồng sắp đi làm về. Con ngủ dậy khóc ầm lên vì đói. Món thịt kho hơi mặn, rau luộc hơi nhừ, trứng xào mướp đắng ôi trời mặn. Tệ hơn, khi bón gần hết cháo cho con mới phát hiện quên cho muối, nước mắm, dầu ăn.

Cũng có khi chỉ cần ngửi hơi cháo nóng bốc lên là biết mình vừa lỡ tay cho nhiều nước mắm. Chồng thường nhăn mặt trong bữa cơm, dặn vợ “lúc nấu ăn, em nên tập trung vào”. Sau này chỉ còn nghe tiếng chồng thở dài hoặc là tiếng buông đũa có phần bực dọc. 

Hôm nào ở nhà, chồng thường tranh vào bếp “em thích ăn gì để anh nấu”. Thỉnh thoảng điện thoại xuống, mẹ hay hỏi bếp núc dạo này ấm cúng không? Mẹ nhìn căn bếp mà soi rọi hạnh phúc gia đình. Nhà có yên vui thì bếp mới nồng đượm yêu thương.

Tôi từng nghĩ xó bếp là nơi cầm chân người phụ nữ nên có đôi khi nhóm lửa bằng sự hằn học, chán chường. Nấu bữa cơm mà tâm trí ở tận đâu đâu. Gia vị nêm vào món ăn có chua chát, đắng cay, hoang mang, lo sợ. Tôi đã quên mất lời mẹ dặn rằng, hãy vứt bỏ hết tâm trạng không vui trước khi vào bếp. Phải luôn tự hỏi, mình đang nhóm lửa vì ai? 

 Vũ Thị Huyền Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI