Xoắn tinh hoàn - chậm là khổ

30/03/2013 - 13:26

PNO - PNCN - Chỉ sau một ngày đau lăn lộn, cháu trai 11 tuổi của tôi đã nhập viện và phải cắt tinh hoàn bên phải. Chúng tôi đang lo ngày nào đó, tình trạng này sẽ tiếp diễn với tinh hoàn còn lại. Mất một bên như vậy, có ảnh hưởng đến...

Ông bà Phan (Q.Tân Phú, TP.HCM)

Ông bà Phan kính mến!

Cháu đã gặp phải trường hợp xoắn tinh hoàn, để lâu dẫn đến hoại tử, phải phẫu thuật cắt bỏ. Chuyện này có thể xảy đến với bất kỳ trẻ trai nào, ở mọi lứa tuổi, nhất là những trường hợp đã có tình trạng “trục trặc kỹ thuật” ở vùng bìu bẹn trước đó: chẳng hạn tinh hoàn lạc chỗ, tinh hoàn ít cố định vào bìu, tinh hoàn lò xo... Bệnh cũng thường gặp ở các bé trai đang trong tuổi dậy thì, khi nội tiết tố đột ngột tăng mạnh và cơ quan sinh dục bắt đầu phát triển mạnh mẽ.

Thời kỳ bào thai, “hai cái trứng” của thai nhi nằm trong ổ bụng, mãi đến tháng thứ tám mới di chuyển xuống bìu. Sau đó, suốt quá trình phát triển của các bé trai, tinh hoàn treo lơ lửng trong ấy bằng cuống bìu và được nuôi dưỡng bởi hệ thống mạch máu. Hiện tượng xoắn xảy ra khi tinh hoàn tự xoay quanh trục của nó làm tắc nghẽn một phần hay toàn bộ mạch máu đến nuôi tinh hoàn. Để lâu, tinh hoàn không có máu nuôi dưỡng sẽ bị sưng lên, tím đen lại và… chết. Lúc ấy, khả năng phải cắt bỏ tinh hoàn đã bị hoại tử rất cao.

Xoan tinh hoan - cham la kho

Triệu chứng ban đầu dễ thấy nhất của bệnh này là trẻ đau đột ngột vùng bìu, bẹn. Trẻ lớn thường xấu hổ, không nói ngay với cha mẹ và thầy cô giáo, nên khi đau dữ dội không chịu nổi mới được đi cấp cứu. Trẻ nhỏ sẽ quấy khóc và không cho người lớn chạm vào. Chỉ cần quan sát có thể thấy ngay vùng bìu căng mọng, sưng to, thậm chí hơi đỏ. Điều nguy hiểm là các triệu chứng này rất dễ nhầm với viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn... và vì ít hiểu biết về bệnh này nên đa số các bậc cha mẹ chậm trễ đưa con em đi khám chữa.

Hiện nay, ngoài khám lâm sàng, các kỹ thuật siêu âm, chụp cắt lớp đã giúp chẩn đoán nhanh và chính xác bệnh này. Khi ấy, bác sĩ có thể dễ dàng tháo xoắn, cố định tinh hoàn vào bìu và giữ được nguyên vẹn cả hai “trái chanh”. Nếu bị xoắn trong thời gian dài (thường sau sáu tiếng) thì tinh hoàn không nhận được máu nuôi dưỡng sẽ “chết” và buộc phải cắt bỏ, như trường hợp cháu của ông bà. Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, cho đến nay ngành y chưa có khả năng tái tạo tinh hoàn, chỉ có thể lắp tinh hoàn giả - để đảm bảo thẩm mỹ chứ không thực hiện được các chức năng của tinh hoàn thật. Sau khi ra viện, cháu vẫn học hành, sinh hoạt bình thường, không phải hạn chế vận động. Để đề phòng, khi gia đình nghe cháu kêu đau hay tỏ ra khó chịu ở vùng bẹn bìu, phải lập tức đưa cháu đến các cơ sở y tế chuyên khoa để tái khám và xử trí kịp thời.

Thực ra, khá nhiều người chỉ với một tinh hoàn vẫn có đời sống tình dục và sinh sản bình thường, nhưng trong thực tế, mất một bên tinh hoàn sẽ ảnh hưởng phần nào các chức năng này. Hơn nữa sự mất mát một phần kín đáo của thân thể còn tác động đến tâm lý của chàng trai khi trưởng thành.

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI