Kỹ nghệ nhào nặn 'sao nhà'

07/11/2017 - 14:00

PNO - Sự nóng vội, mong muốn con nổi tiếng của phụ huynh đã cướp mất quyền cá nhân của đứa trẻ.

Có những đứa trẻ không cần xuất hiện trên sân khấu nào mà vẫn nổi tiếng, có hàng trăm ngàn người theo dõi. Nhất cử nhất động của các em đều được gắn vào những câu chuyện, lời giới thiệu hấp dẫn từ chính “huấn luyện viên mẹ”.

Ky nghe nhao nan 'sao nha'
Ảnh minh họa

Một ngày cuối tuần bình thường của cậu bé 5 tuổi - Princeton (sống ở Brooklyn, Mỹ) là diện đồ thật đẹp, chụp những bức ảnh "độc lạ" mà người cố vấn, cũng là người bấm máy cho em là chị Keira Cannon - mẹ em.

Để có một tấm ảnh ưng ý, cậu bé phải tạo dáng, liên tục thay đổi biểu cảm khuôn mặt hoặc có khi phải đứng yên bất động theo “lệnh” của nhiếp ảnh gia mẹ. Chỉ đến khi chị Keira hô “xong!”, gương mặt Princeton mới thật sự trở về đúng số tuổi của cậu bé với nụ cười trong trẻo, hồn nhiên không dàn dựng.

Chị Keira là đầu bếp bánh ngọt. Chị quyết đưa con trai dấn thân vào thế giới người nổi tiếng qua tài khoản Instagram có 5.600 lượt theo dõi. Keira đặt tên tài khoản “Prince and the Baker” với mục đích kết hợp hình ảnh con cùng công việc hiện tại nhằm kiếm thêm thu nhập.

Mỗi lần xuất hiện trước ống kính, Princeton sẽ được “tài trợ” trang phục từ các nhãn hàng thời trang dành cho trẻ em. Có lúc Princeton nhận ít nhất hai hợp đồng chụp quảng cáo mỗi tuần. Mỗi tấm ảnh của Princeton đăng lên Instagram có kèm tên cửa hiệu quần áo sẽ được trả từ 50-100 USD.

Trên phố, thỉnh thoảng Princeton ngơ ngác hỏi mẹ vì sao mọi người biết em. Princeton chỉ biết mình được mặc đồ đẹp và chụp ảnh. Em chẳng có quyền quyết định việc mọi người đang nhìn ngó bản thân thế nào.

Princeton chỉ là một trong những sao nhí đang được các “instamom” nhào nặn thành sao trên mạng xã hội hình ảnh lớn nhất hành tinh. Rất nhiều gương mặt non trẻ đã được mẹ đánh bóng, biến thành thỏi nam châm thu hút các nhãn hàng. Cô bé London Scout (4 tuổi) có đến 105.000 người theo dõi, chẳng kém các ngôi sao Hollywood. Em trai của London Scout, mới đây cũng đã xuất hiện trên Instagram cùng chị, diện những bộ đồ thời trang nhất.

Nhà tâm lý học Ginger Clark - giáo sư Đại học Nam California - cho rằng cuộc chạy đua hình ảnh con của những bà mẹ, ông bố trên mang xã hội chẳng khác gì cuộc chạy đua cho vẻ ngoài hào nhoáng. Theo bà, việc đưa con vào những cuộc thỏa thuận, đổi chác vì quyền lợi của gia đình và nhãn hàng vô tình khiến đứa trẻ hiểu bản thân là một món hàng.

Bản chất của việc “hô biến” con thành đứa trẻ có sức hút trong nhiều trường hợp là vì mục đích thương mại. Việc nổi tiếng quá sớm, dù muốn hay không, đã và sẽ tạo ra rào cản cho một đứa trẻ hình thành nên hệ giá trị sống của riêng mình. Nếu đứa trẻ nghĩ đó là một trò chơi vui thì mọi việc vẫn ổn, nhưng một khi con biết mình được yêu thích vì bề ngoài, đứa trẻ sẽ có những nhận thức lệch lạc về bản thân.

Điển hình như chuyện cô bé Drew Barrymore nổi tiếng ở tuổi mới chập chững biết đi và sa ngã khi mới 9 tuổi, trượt dài theo khói thuốc và ma túy. Mẹ Drew Barrymore đã đưa con gái đến quán bar, sàn nhảy khi con mới 8 tuổi chỉ vì muốn con bước vào thế giới sành điệu. 

Sự nóng vội, mong muốn con nổi tiếng của phụ huynh đã cướp mất quyền cá nhân của đứa trẻ. Trẻ chẳng hề biết những ai đang theo dõi mình. Sự cạnh tranh khốc liệt từ các chiến dịch tiếp thị của các nhãn hàng càng làm các bà mẹ mong giành cơ hội đổi đời cho mình và cho con thêm sôi sục, ép con nổi tiếng.

Nhiều cô, cậu bé dù chưa biết chơi Instagram vẫn có thể làm mưa làm gió cộng đồng mạng: cô bé Millie-Belle Diamond (2 tuổi) có 143.000 người theo dõi, cô bé Michelle (4 tuổi) có 154.000 người theo dõi, cậu bé Alonso Mateo được ví như Hoàng tử bé trên Instagram vì có đến 600.000 lượt follow. Dáng vẻ tự tin, người lớn của Alonso Mateo khiến nhiều người xuýt xoa, trầm trồ; nhưng rõ ràng, sự tự nhiên, đáng yêu của một cậu bé đã không còn ở em.

Thiên Như 
(theo Digital Trends, New York Times, The Richest)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI