Giữ tết cho con

07/02/2018 - 10:17

PNO - Năm nay nhuần, tết đến trễ hơn. Vài ngày qua, thấy trên Facebook bạn bè có người bảo hoa mai nở sớm, là vì trời đất có lúc cũng quên nhuần, nên cây cối cứ theo độ 12 tháng mà đơm bông.

Tết bắt đầu từ cuối tháng 11 đầu tháng 12 cơ, khi khe khẽ đã có người nhắc nhau còn hai tháng nữa là tết. Lúc ấy, đã có gì để phải bận rộn, lơ là đâu. Chỉ là nhắc nhau như thế để thúc hối bản thân và người xung quanh hoàn thành việc này việc kia cho sớm hơn, cho tốt đẹp hơn, để rồi có mấy ngày nghỉ tết cho vui, cho trọn vẹn.

Đã vài năm nay, cứ mỗi độ cuối năm là lại nghe thiên hạ xôn xao chuyện có nên bỏ tết hay nên gộp tết tây chung với tết ta cho tiện, cho bớt mất thời gian, cho tiết kiệm… Nhiều khi nghe bàn như thế, cũng thấy lạ lạ, ngộ ngộ và… ngưỡng mộ những người đầu óc tân tiến, hiện đại. Cuộc sống sao mà bận rộn, căng thẳng, thiếu thời gian đến thế - đến nỗi phải tiết kiệm cả những ngày vui để mà làm việc, để mà sống.

Năm nay nhuần, tết đến trễ hơn. Vài ngày qua, thấy trên Facebook bạn bè có người bảo hoa mai nở sớm, là vì trời đất có lúc cũng quên nhuần, nên cây cối cứ theo độ 12 tháng mà đơm bông. Thiên nhiên cũng tự động mà chào tết, ăn tết, vui tết. Thế mới chẳng hiểu vì sao con người lại đòi bỏ tết, nhất là khi cái tết bắt đầu từ rất sâu, trong lòng người.

Giu tet cho con
Ảnh minh họa

Tết là niềm vui. Ngày xưa, với phụ nữ, tết có thể là gánh nặng. Từ đầu tháng 12 đã phải lo dọn dẹp, quét tước; rồi thì mua sắm, tính toán quà cáp biếu xén nội ngoại, lo cúng kiếng. Nghe bạn tôi kể riêng chuyện cúng đã thấy hãi. Cúng giao thừa, cúng rước, đưa ông bà không nói. Tập tục gia đình bạn là ba ngày tết bê đủ ba mâm cơm lên tận nghĩa trang, thắp nhang quỳ lạy. Rồi thì chồng bạn ba ngày cũng đưa bạn bè về đủ ba ngày: nhậu nhẹt, vui chơi suốt tết, cũng chỉ một tay bạn tôi lo; nên sau tết là thấy bạn như người… cõi khác.

Vài năm trở lại đây, thấy gia đình bạn đổi khác. Tết chỉ cúng ngày 30, giao thừa. Sau đó cả nhà đi du lịch xa, ở một nơi yên tĩnh, có biển xanh, cát trắng, bạn được phục vụ tận... răng. Được như thế là cả cuộc đấu tranh của bạn với chồng, với cả gia đình. Mình thấy quá ngưỡng mộ, thậm chí ghen tỵ với chọn lựa của bạn. Ừ, tết là phải thế - là dịp để thảnh thơi bên nhau.

Những thủ tục, lễ nghi rườm rà quá cũng nên bớt đi từ từ, chỉ để lại những gì sáng tươi và thật nhẹ nhàng. Ví như một người bạn khác của tôi bảo tết chỉ là nhà dọn thật sạch, đơm đầy mâm ngũ quả, cắm mấy bình hoa tươi, rồi thoải mái nghe nhạc, đọc sách, lướt mấy tờ báo tết (bạn bảo nhất là báo tết Phụ Nữ, năm nào cũng hay, cũng nhiều bài thấm thía, chỉ có thể đọc và suy ngẫm vào ba ngày tết thong thả thời gian; nghe mà thấy vui).

Thế nhưng, cũng có người phản đối, nói là nhiều gia đình trẻ bây giờ thích đi chơi, bỏ nhiều phong tục, để người già thui thủi - đã cô đơn ngày thường, tết cũng cô đơn… Người bảo trẻ em ngày càng biết ít về phong tục, tập quán của ông bà, cha mẹ; khéo rồi mai này… mất tết. Mình nghĩ, chẳng phải vậy. Cuộc sống muôn mặt. Chọn lựa sao cho tất cả đều thấy tết vui, ý nghĩa là được. Đừng khắt khe quá, cũng đừng lơi lỏng quá. Nếu có thiếu chút, hụt chút cũng không sao; lại có thể chắc lưỡi, hít hà cùng nhau “tết mà!”. Như thế là có tết. 

Ca sĩ Vi Thảo: Tết quê mới vui

Năm nào cũng vậy, cứ khoảng ngày 24-25 tháng Chạp là tôi đưa con về quê ngoại ở Quảng Nam. 11 tuổi là con có 11 lần ăn tết quê. Gia đình tôi buôn bán hoa kiểng nên những ngày trước tết là bận nhất nhưng cũng vui nhất. Mẹ con cùng với ông bà lo bán hoa, sáng sớm cùng ông tưới hoa, cả ngày ngồi trông hàng; chiều 30 cùng ông bà dọn hàng, dọn nhà cửa, chuẩn bị đón năm mới. Đêm giao thừa thì đi chùa, thắp nhang, lạy Phật, xin lộc…

Mùng Một tết với các con là vui nhất. Vì họ hàng, láng giềng hay bảo vía cháu tốt, nên năm nào cũng nhờ cháu đi xông đất. Đó là niềm hãnh diện, tự hào của cháu. Ngủ dậy, tụt xuống giường, có khi chẳng kịp rửa mặt đã nhào sang nhà hàng xóm. Thế mà chẳng bị la mắng gì, còn được khen, được lì xì.

Giu tet cho con
Ca sĩ Vi Thảo

Con tôi rất thích về quê ăn tết. Nhà nhà mở rộng cửa, bạn bè ríu rít, chan hòa, không giống thành phố - nhà nào biết nhà đó, cửa đóng im ỉm, bạn bè cũng chẳng có mấy thời gian chơi với nhau. Ông ngoại cháu là Hội trưởng Hội khuyến học của dòng họ, nên trong năm, cháu phải cố gắng học để tết mang bằng khen về quê; được ông khen, lại được lãnh phần thưởng. Tết vì thế còn là động lực để cháu học hành, phấn đấu cả năm. Năm nào hết tết, chuẩn bị về lại thành phố, cháu cũng buồn, chẳng muốn rời xa quê.

Diễn viên Ngọc Duyên:  Dịp mời người đi xa về ăn tết

Tết của diễn viên sân khấu nhiều lắm được một, hai ngày, còn thì đi diễn suốt. Chắc vì nhà vắng người, chỉ có bà và hai mẹ con nên với mẹ con mình, ý nghĩa nhất là những bữa cơm sum họp chiều 30; rồi đến khoảnh khắc thức đợi giao thừa, con mặc áo mới, đứng vòng tay chúc tết người lớn… Từ bé, tôi đã dạy con rằng, với những người thân yêu, giờ phút được ở cạnh nhau là quý nhất.

Tết với mẹ con tôi còn là khoảnh khắc thiêng liêng khi cùng nhau dọn bàn thờ ba của cháu - ông xã tôi; là bữa cơm cúng ba và câu mời ba mà con đã học thuộc lòng: “Con mời ba về ăn cơm”. Mỗi lần nghe con mời ba như vậy, tôi lại xúc động, thấy như người đi xa mấy cũng về đoàn tụ với hai mẹ con.

Giu tet cho con
Diễn viên Ngọc Duyên

Tết đâu chỉ là nghỉ học

Gần đây, xôn xao việc bỏ tết cổ truyền, ăn tết theo lịch tây. Học sinh như chúng em mà ý kiến, có lẽ sẽ bị rầy “con nít mong tết nhất để nghỉ học, lì xì thôi, biết cái gì”.
Tết với chúng em, tất nhiên là được nghỉ học, là lễ hội tấp nập, là áo quần mới, đồ ăn và những bao lì xì đỏ chót. Nhưng đâu chỉ vậy. Tết tây hoàn toàn khác tết ta - rất khác khi người ta bảo “năm Tuất sắp đến rồi”. Lại cùng nhau đi lựa quần áo mới, cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, rồi cùng lập kế hoạch cho một mùa tết vui vẻ, đáng nhớ.

Những người thuộc thế hệ sinh sau năm 2000 chúng em vẫn thấy tết cổ truyền vui, ấm áp, hợp thời lắm. Cả một năm lao động vất vả, tuần tết chính là để người ta rũ bỏ những bon chen, xô bồ, để tự ngẫm lại mọi thứ, tự tái tạo năng lượng; là thời gian mà ta có thể vui vẻ dựa vào gia đình, người thân, để sau đó, ta quay lại, phấn chấn, mạnh mẽ hơn.

Tình thương yêu trong mỗi con người như được vun đắp vào thời gian này, khi thấy ngoài đường tấp nập chuẩn bị tết, lòng lại rộn ràng. Khi ta ăn trọn vẹn bữa cơm có đầy đủ những người thân yêu, thấy ấm áp. Khi người ta ra đường gặp những người nghèo khó, không ngại giúp đỡ: “Tết rồi, tội người ta, giúp chút cho người ta có cái tết”. Sự thoải mái, vui vẻ ấy, cứ đến cuối năm cũ, đầu năm mới, lại tràn ngập trong mỗi người.

Giu tet cho con
Hồ Công Khánh Vân

Ngày nghỉ dài có lẽ là dịp duy nhất đủ để con cái đi xa quay về với gia đình. Em thích những phút xúng xính quần áo chúc tết, gặp mặt bạn bè, thật vui khi nghe: “Lớn đến thế rồi à. Càng lớn càng xinh!”. Hai tuần tết là thời gian đưa ra các quyết định quan trọng với bản thân. Trong hai tuần, cơ thể và tinh thần đều như bay bổng, khởi động lại từ từ, để ta có thể trân trọng hơn từng thời khắc trôi qua.

Tết với em không chỉ là khoảnh khắc năm cũ đi, năm mới đến, mà còn là lúc tận hưởng và biết trân quý những điều đang có. Đây là dịp con người ta nên sống chậm lại một chút, để thấy những tinh hoa văn hóa của dân tộc, để hạnh phúc bên nhau.

Hồ Công Khánh Vân (Lớp 11/21 Trường Quốc tế Á Châu)

Khánh Chi (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI