'Cứu con với!'

10/01/2018 - 13:42

PNO - Phải rất can đảm, rất quyết tâm và nén nỗi đau, những “người trong cuộc” mới có thể lộ diện trước đám đông.

Triển lãm Voices Out - Dáng hình thanh âm và tọa đàm Save Me! - Cứu con với! do doanh nghiệp xã hội OpenM tổ chức tại TP.HCM.

Đây là các hoạt động trong chuỗi dự án That’s Enough về giáo dục lớn nhất năm 2017 của đơn vị này, bao gồm các buổi tọa đàm và tập huấn cùng chuyên gia, được tổ chức miễn phí hằng tháng, nhằm nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh về nạn ấu dâm, đồng thời kêu gọi cộng đồng cam kết hành động, lên tiếng khi chứng kiến trường hợp xâm hại tình dục trẻ em tại Việt Nam.

Đọng lại sau triển lãm Voices Out - Dáng hình thanh âm và tọa đàm Save Me! - Cứu con với! diễn ra tại TP.HCM ngày 7/1/2018 là những bộc bạch xé lòng, những tiếng kêu đớn đau từ thẳm sâu trái tim non trẻ và cả những đau đáu về tương lai, hạnh phúc của nạn nhân bị xâm hại tình dục.

'Cuu con voi!'
T. nói chuyện với đại biểu dự tọa đàm Save Me! - Cứu con với!

Đau đớn và sợ hãi 

Tối 7/1, Save Me! - Cứu con với! được tổ chức như một buổi họp mặt gia đình giữa nạn nhân với các chuyên gia tâm lý, luật sư. T., quê Cần Thơ, ngồi lọt thỏm giữa mọi người, gương mặt bầu bĩnh, dễ thương, nhưng buồn.

Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, T. lớn lên bên ông bà nội. Nỗi mặc cảm là một đứa trẻ “bên lề” cuộc đời khiến T. sống náu mình trong im lặng. Bị hàng xóm xâm hại khi chỉ mới 12 tuổi, T. vùng vẫy giữa giận dữ và hoang mang.

'Cuu con voi!'
Nhiều học sinh đã thốt lên “sao nhiều quá” khi đọc thống kê những con số liên quan đến nạn xâm hại tình dục trẻ em

Mỗi ngày đi học phải đi ngang qua nhà kẻ thủ ác, T. không đủ can đảm. Em ôm cặp, chạy đường vòng đến trường, dẫu xa hun hút và luôn chỉ có một mình. T. kể: “Em là kết quả của một cuộc tình trẻ con khi má mới 14 tuổi, còn cha cũng chỉ mới 15 tuổi. Em được 10 ngày tuổi, má đem bỏ ngoài chợ, ông nội hay tin bèn mang về nuôi. Cha đi biền biệt, mà hình như cha cũng không nhớ mình có một đứa con gái. Khi sự việc xảy ra, em không có ai bên cạnh, không biết kêu cứu ở đâu”.

Giờ, T. đang là sinh viên năm nhất. Phải tự mình đi qua đau đớn trong suốt nhiều năm, gần đây T. mới thổ lộ chuyện này với ông nội. Hai ông cháu ngồi khóc. “Ông nói, sao hồi đó bay không la lên: “Cứu con với!”. Dẫu có thế nào cũng còn ông đây mà” - T. nghẹn giọng.

Tương tự, Y. run lên khi nhắc lại chuyện cũ. Không ai tưởng tượng được một bé gái ba tuổi lại bị xâm hại tình dục. Nhưng, Y. là bằng chứng sống. Y. nói: “Cảm giác đau đớn cứ tái đi tái lại, trở thành một dạng xúc cảm ám ảnh tâm trí”.

Vài giờ trước đó, triển lãm Voices - Dáng hình thanh âm đã diễn ra tại 55 Nguyễn Thị Minh Khai, P. Bến Nghé, Q.1, TP.HCM. Đây là triển lãm sắp đặt về đề tài xâm hại tình dục, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Thiết kế theo dạng video/audio, triển lãm kể câu chuyện của chín gia đình, chín nạn nhân bị xâm hại tình dục. Phải rất can đảm, rất quyết tâm và nén nỗi đau, những “người trong cuộc” mới có thể lộ diện trước đám đông.

Bé H., 13 tuổi, ở TP.HCM, bị một ông già 70 tuổi xâm hại đến bốn lần trong ba năm qua. Cả không gian như chùng xuống khi H. kể: “Ông ấy bóp cổ và dọa giết chết nếu con kể lại cho cha mẹ nghe. Con sợ lắm và không bao giờ muốn gặp lại ông ấy nữa”. Chị X., mẹ H., bàng hoàng khi biết sự thật - lúc con gái đã có thai. Vụ án đang chờ xét xử và chị chỉ muốn kẻ xâm hại phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những gì đã gây ra.

'Cuu con voi!'
Một số hình ảnh trong triển lãm

Xin đừng im lặng!

Một phụ huynh băn khoăn: “Làm sao dạy giới tính cho con? Khó nói lắm”. Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang - giảng viên Học viện Cán bộ TP.HCM - cho biết, dù đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, thực tế, những từ “xâm hại”, “tình dục” có vẻ như vẫn còn nằm trong “vùng nhạy cảm”, phụ huynh lẫn học sinh đều ngại ngần.

Theo tiến sĩ Trang, đã đến lúc phụ huynh cần nhìn thẳng vào vấn đề và trang bị kiến thức để dạy con về giới tính một cách bài bản. Không chỉ bé gái mà ngay cả bé trai cũng phải được hướng dẫn những kỹ năng ứng phó trước nguy cơ bị xâm hại cũng như tránh bị lôi kéo vào những hành vi tiêu cực.

Đại diện Chi hội Khoa học tâm lý - giáo dục Nhịp cầu Hạnh Phúc (OBV Việt Nam) - chị Nguyễn Yên Thảo - ôm các nạn nhân, những “người sống sót” trong bão dữ, nói: “Phải rất dũng cảm các em mới đến được đây”. Nhịp cầu Hạnh Phúc hiện chăm sóc, hỗ trợ tư vấn tâm lý cho khoảng 20 bé là nạn nhân bị xâm hại tình dục. Oái ăm thay, hơn một nửa trong số đó bị chính người thân làm hại.

Chị Thảo chia sẻ, những câu chuyện của các nạn nhân có lẽ ta đã nghe nhiều, nói đến rất nhiều - luôn quá đớn đau và khủng khiếp. Khi xảy ra một vụ xâm hại tình dục trẻ em, đa phần mọi người đồng loạt lên án kẻ thủ ác, quan tâm chuyện kẻ ấy bị trừng phạt thế nào, ở tù bao lâu… nhưng lại ít chú ý hay đặt câu hỏi xem “nạn nhân sẽ sống tiếp như thế nào”.

'Cuu con voi!'
Ảnh minh họa

Chị Yên Thảo từng nhận được tin nhắn của một nạn nhân, nói rằng hiện đang sống tốt, nhưng cứ nhìn thấy chị là cảm xúc căm thù lại dâng lên. Đón trẻ về, OBV không bao giờ khơi lại vết thương cũ mà tập trung chăm sóc sức khỏe, tâm lý, học hành của trẻ.

Khi lớn lên, bước ra đời, các em muốn quên việc mình đã từng ở OBV cũng đồng nghĩa với việc không bao giờ muốn mình từng là nạn nhân cũng là điều hiển nhiên, dễ hiểu. “Mỗi người chúng ta hãy là cánh tay nối dài để bảo vệ trẻ. Cha mẹ không thể bên con 24/24 nên hãy dạy trẻ biết tự bảo vệ mình, biết kêu cứu khi gặp nguy, biết phân biệt đâu là cảm xúc tích cực, mối quan hệ tích cực và ngược lại” - chị Thảo nói.

Với những người bà, người mẹ có con cháu bị xâm hại tình dục, ám ảnh và đau đớn không sao kể hết. Vượt lên nỗi sợ, những dị nghị, bàn tán, nhiều người trong số đó đã bươn bả đi tìm công lý cho người thân.

Xuất hiện trên khuôn hình triển lãm Voices Out - Dáng hình thanh âm, bà Tư, ngoại của bé D., ở Vĩnh Long, kể: “Dì quyết tâm thưa ra chính quyền để làm cho ra chuyện chứ không chấp nhận bãi nại. Đi đến đâu dì cũng đi”. Bé D. mới 10 tuổi, bị chính cha ruột và ông nội xâm hại suốt thời gian dài. Hai kẻ tội đồ đã nhận lãnh bản án chung thân, nhưng D. đã mất đi nụ cười hồn nhiên con trẻ.

Chị Mai - người mẹ của hai đứa con bị xâm hại khi mới lên năm tuổi, hiện vẫn đang đi tiếp con đường bà Tư đã đi với suy nghĩ đơn giản: “Nếu mình bỏ qua thì tương lai nó sẽ tiếp tục xâm hại con trẻ và nạn nhân rất có thể vẫn là con mình”. 

Theo số liệu thống kê tại triển lãm Voices Out - Dáng hình thanh âm, cứ tám giờ lại có một bé gái bị xâm hại; cứ sáu bé trai thì có một bé bị xâm hại; bốn bé gái thì có một bé bị xâm hại; 93% thủ phạm là người quen; 47% là họ hàng trong gia đình; 30% trẻ em bị xâm hại hai lần trở lên; con nuôi bị tấn công tình dục cao gấp 10 lần con đẻ; trẻ em sống cùng cha mẹ tái hôn có nguy cơ cao gấp 20 lần so với bố mẹ ruột.

Thanh Cường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI