Cuộc chiến 'cai' màn hình phẳng: Con bỏ ăn, mẹ phát sốt

15/11/2017 - 10:30

PNO - Thật bối rối khi bỗng nhiên con từ một đứa trẻ vui vẻ, hoạt bát, dễ gần, giờ không muốn chào ai, không dạy dỗ được, mẹ gọi dường như chẳng nghe, có nghe cũng chẳng muốn nhìn.

Các thiết bị công nghệ, với tất cả những tính năng thần kỳ của chúng là giải pháp chung cho nhiều bậc cha mẹ và bé - hiệu quả “nhanh như điện”: mỗi khi bé quấy khóc, nằm vạ, biếng ăn và cả trường hợp bé ngoan, giỏi, được người lớn tặng thưởng.
Nghiện ti vi, máy tính bảng, điện thoại thông minh… để lại rất nhiều hệ lụy đối với sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ cũng như sự tương tác, gắn bó trong gia đình.

Cai màn hình phẳng để giành lại tương lai của con là trận chiến gay go và gian khổ, cũng thường thất bại nếu cả nhà không cùng cai, nếu vẫn tiếp diễn “nghịch cảnh” cha mẹ vừa dán mắt vào màn hình vừa quát con: “Có đi học bài ngay không? Buông cái điện thoại xuống”.

Đưa con về thế giới của mẹ 

Thật bối rối khi bỗng nhiên con từ một đứa trẻ vui vẻ, hoạt bát, dễ gần, giờ không muốn chào ai, không dạy dỗ được, mẹ gọi dường như chẳng nghe, có nghe cũng chẳng muốn nhìn. Vốn tập nói sớm, con không nói thêm được từ nào khi thôi nôi.

Con giỏi việc nhận biết những hình thù, màu sắc, số đếm và thuộc rất nhiều bài hát tiếng Anh, nhưng mẹ gọi thật lâu con mới nhìn. Đó là lúc con được tầm 17 tháng. Thật lo lắng khi con 25 tháng, mẹ cho con đến trường. Con không chơi với bạn. Con cũng không nói, chỉ giao tiếp với cô giáo bằng hành động.

Cuoc chien 'cai' man hinh phang: Con bo an, me phat sot
Ảnh minh họa

Bác sĩ (BS) tâm lý bảo nên tìm trường cho con, vì học ở bệnh viện (BV) là không đủ. Lúc đó, mẹ chưa hiểu hết lý do của lời khuyên đó cho đến khi đọc hết những dấu hiệu, biểu hiện của chứng rối loạn tự kỷ. Càng thắt tim gan khi biết đó là chứng không thể chữa khỏi.

Mẹ đã không cương quyết hơn, không đưa con đi khám sớm hơn khi con bắt đầu có những dấu hiệu bất thường dù bề ngoài trông con vẫn như bao đứa trẻ khác. Con không nhìn vào mắt người đối diện, có nhìn cũng không được bao nhiêu giây, không nói hai từ và câu dài theo lứa tuổi, chỉ ú ớ hay cầm tay người lớn để thể hiện ý muốn của mình, không theo sự hướng dẫn của người xung quanh, chỉ thích chơi theo ý mình.

Mẹ không cương quyết hơn với ông bà khi để con xem ti vi, máy tính bảng quá nhiều (do mẹ sinh con và em quá khít, cha mẹ dồn sức săn sóc em, gửi con sang ông bà nhờ chăm trong căn phòng có nhiều thiết bị điện tử, bật ti vi gần như suốt ngày đêm). Mẹ tham công tiếc việc, chỉ muốn đi làm mà không dành nhiều thời gian hơn cho con.

Nhưng khi đã đọc và tìm hiểu nhiều tài liệu về chứng rối loạn đó, mẹ đã không ngại chia sẻ thông tin với BS, với người quen để tìm cách can thiệp cho con sớm nhất có thể.

Cuoc chien 'cai' man hinh phang: Con bo an, me phat sot
 

Hành trình mang con về với mẹ bắt đầu bằng lời khuyên của chuyên viên khoa Tâm lý, BV Nhi Đồng 2: “Đừng quan tâm bác sĩ chẩn đoán con bệnh gì. Hãy xem con thiếu gì, dạy cho con thêm những chỗ thiếu ấy và chắc chắn một điều là con phải được đi học ngay”.

Hay lời của BS Đông A - nguyên Giám đốc BV Nhi Đồng 2: “Hãy chữa bệnh cho bố mẹ trước, rồi sẽ chữa bệnh được cho con”. Những câu từ đơn giản thốt lên từ vị BS đầu ngành khiến cho người đàn ông trụ cột, người làm cha phải thức tỉnh, cùng mẹ lao vào cuộc chiến, bắt đầu với việc từ bỏ máy tính bảng và ti vi.

Đó là những ngày “cai nghiện” vật vã của mẹ chứ nào phải của con khi con không ăn mà mẹ căng thẳng đến phát sốt. Rồi BS Trí Đoàn - BV Victoria Healthcare - lại “nắn gân”: “Con chỉ cân não cha mẹ. Không ăn cơm cũng được. Hãy cho con ăn bất kỳ thứ gì con muốn. Giảm lượng sữa bột hằng ngày để con được đói, rồi con sẽ ăn”.

Đâu chỉ vậy, tháng đến trường đầu tiên sau lần đi học được mấy tháng ngắn ngủi ngày trước, con chỉ khóc và la hét. Nhưng may mắn thay, cô hiệu trưởng là người am hiểu, dành cho con những cái ôm đầy quan tâm, chia sẻ. Sau hai tháng, con bắt đầu an tâm, mon men vào các lớp học năng khiếu cũng như chú ý đến những môn học mà con thích.

Giờ, đối với con, đám đông chẳng còn đáng ngần ngại. Con là đứa bé thích học, thích đọc, thích múa và hát, thích bơi và những môn vận động. Con đã bắt đầu biết vẽ và "vẽ chữ". Không thể diễn tả được bằng lời cái cảm xúc khi cầm bức tranh con vẽ mẹ, khi được nghe con gọi “mẹ ơi”, khi con biết lựa chọn quần áo đi học, biết thể hiện cảm xúc giận hờn. Câu chưa thành nhưng con đã thể hiện được điều con nói bằng lời.

Với một đứa trẻ còn non nớt, cha mẹ chính là người quan trọng nhất để dìu con qua giai đoạn khó khăn. Nếu ông bố chịu chấp nhận hiện thực, nếu người mẹ nhạy cảm, nhìn nhận được điều bất thường của con hãy đổi nó cho con bằng thời gian chăm sóc của bố mẹ

Thật hoang mang khi nhớ lại lời khuyên của một BS người Pháp, tại một BV lớn của thành phố, rằng con cần khám tâm lý. Mải lo con ốm đau vì mới đi học, mải lo em trai của con chưa được một tuổi, mẹ liên tục triển hạn việc đưa con đi khám cho đến khi thấy nhiều biểu hiện càng lúc càng lạ của con. Giờ thì mẹ bỏ qua lời của ông bà - cho rằng vì con còn nhỏ, lớn lên rồi sẽ khác.

30 tháng không phải là thời điểm quá đẹp, nhưng vẫn còn kịp trong thời gian vàng (18-36 tháng) để kéo con trở lại với thế giới của mẹ. Nhìn vào mắt con trong những giây ngắn ngủi con nhìn mẹ, mẹ tự nhủ sẽ đi cùng con, là người bạn của con, là người con sẽ tin tưởng thốt lên những từ, những câu đầu tiên. Mẹ mong con gọi mẹ bằng tiếng “Mẹ” như những người mẹ khác được nghe tiếng gọi thiêng liêng đó một cách hết sức dễ dàng.


An Tâm
(Quận 2, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI