'Cô ơi, con đau lắm!'

21/06/2018 - 11:32

PNO - Trên những nẻo đường tác nghiệp, có nhiều địa chỉ trẻ em bị đánh đập, bị xâm hại tình dục do tôi tự đặt từ tâm tưởng của mình.

'Co oi, con dau lam!'
Có những trường hợp bất hạnh của bé ám ảnh tôi nhiều năm. Ảnh minh họa

Trên những nẻo đường tác nghiệp, có nhiều địa chỉ do tôi tự đặt từ tâm tưởng của mình. Cổng này, đường này, ngõ này là dẫn vào nhà bé A. bị xâm hại tình dục, bé B. bị cha ruột bạo hành, bé C. mồ côi cả cha lẫn mẹ, bé D. bị bệnh lạ.

Vậy đó, đa số những bé lọt vào danh sách của tôi đều từng trải qua quãng đời kém may mắn, chịu bao thiệt thòi, tai ương. Có những em, tôi không kịp biết mặt và chính sự khuất vắng của em trên cõi đời giữa tuổi xanh đã đưa đẩy tôi tìm đến. Như trường hợp bé lớp Năm ở tỉnh Cà Mau đã uất ức, tự tử khi đơn tố cáo hàng xóm xâm hại tình dục của em chưa được công an điều tra xử lý kịp thời, thỏa đáng. 

Tên đường cộng với tên em nhào lại thành nỗi ám ảnh nơi tôi. Dù có khi nhờ những bài báo mang lại hiệu ứng tốt, khơi nguồn ánh sáng công lý, giúp ích cho em, nhưng đâu thể bù nổi mất mát đớn đau mà em phải gánh chịu.

Nỗi đau như chai nhựa cứng đầu, chỉ biết sinh ra mà không biết phân hủy theo thời gian. Nhất là với những em thiếu tình thương gia đình, nỗi đau không ngừng gặm nhấm, tước dần niềm tin và năng lượng sống. 

Một chiều kẹt xe, tôi len giữa dòng người để đi rước con, bỗng điện thoại reo. Tắp xe vào lề đường, mở điện thoại thì chỉ nghe tiếng gào khóc. “Cô Hiền ơi, con đau lắm. Con bị đánh đau lắm!”… Lát sau mới nhận ra đó là bé L. ở Trà Vinh, gọi cầu cứu vì bị người nhà đánh dữ. L. từng bị hàng xóm xâm hại tình dục, thường bị người nhà sỉ nhục, bạo hành, từng tự tử không thành. Ba mẹ đã chia tay, lại mâu thuẫn nhau nên vẫn thường trút giận lên em. Tôi phải cấp tốc liên lạc với địa phương để có biện pháp can thiệp, trợ giúp khẩn cấp.

Sắp xếp mọi chuyện tạm ổn, buông quyển sổ và điện thoại ra sực nhớ nhiệm vụ rước con, chạy đến cổng trường đã thấy con ngồi thu lu bên góc cây bàng, miệng méo xẹo với hai hàng nước mắt lăn dài. “Tưởng mẹ đi công tác tỉnh, bỏ con luôn rồi” - con lao vào tôi, òa khóc.

Tôi sợ lắm khi nhìn danh sách bài đã đăng với phần lớn những câu chuyện buồn của những đứa trẻ. Phải chi đổi lại, đó là những bài báo vui nhộn, những hình ảnh các em chơi đùa vui vẻ thì đáng giá biết bao. Nhưng em vẫn còn đứng đó trong góc tối, trên các vùng miền đất nước, vẫy gọi chúng tôi, biết làm sao?

'Co oi, con dau lam!'
Những tiếng kêu  như "Con bị đánh đau lắm", khiến tôi lao đi ngay trong đêm. Ảnh minh họa.

Thì vẫn vụt chạy đến sau mỗi cuộc gọi khẩn cấp, để nghẹn lòng trước lời kể ngây thơ của em, để đêm về trằn trọc, ray rứt với từng dòng bản thảo và quằn nặng tâm tư khi bài báo được đăng với những dòng bình luận căm phẫn, xót thương. Tôi muốn làm gì sớm hơn là chuỗi tác nghiệp thường quy và muộn màng, bất lực đó - muộn màng, bất lực trước bi kịch em đã sa vào.

Dễ thấy hậu quả từ cha mẹ chủ quan, vô trách nhiệm và thiếu quan tâm, bảo vệ con. Đọc nhiều, thấy nhiều nhưng phụ huynh hãy thử nghĩ một ngày bi kịch ấy rơi vào nhà mình. Không hướng dẫn cụ thể, kịp thời, đợi đến con va vấp, bước hụt chân thì lớn tiếng la mắng, đổ tội.

Lắm em rõ ràng là nạn nhân bị xâm hại tình dục, bạo hành mà còn bị chính người nhà chửi rủa, kết tội: “Ai mượn mày ngu, đâm đầu vào, đúng là nít quỷ, ham hố”, “mày phải thế nào mới bị, không có lửa sao có khói”… 

Tôi mong danh sách bài viết của mình sớm đổi màu từ xám sang xanh. Khi đó, những em thơ được hiểu và yêu, được sống trong tổ ấm trọn vẹn, môi trường bình an, vui vầy, để lớn khôn, sáng tạo và phát triển. 

Mong lắm, màu xanh ơi. 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI