Câu xin lỗi của cha mẹ khi sai với con cái rất quan trọng

22/07/2017 - 16:53

PNO - Tôi có hai con gái sinh đôi, 11 tuổi. Hai cháu giống nhau đến mức chính tôi đôi lúc còn nhìn lầm, sở thích cũng giống nhau; nhưng tính tình lại khác nhau một trời một vực.

Một cháu cứng rắn, bản lĩnh, ít dựa dẫm mẹ. Cháu kia thì ngược lại hoàn toàn, đu theo mẹ mọi lúc mọi nơi, chuyện gì cũng nhõng nhẽo và hay khóc.

Vừa rồi, hai cháu có đòi mua online hai bộ áo đầm giống nhau, tôi không đồng ý vì mua hàng online không thử được. Cháu lớn, là cô bé cứng rắn, im lặng không phản đối; trong khi cháu kia thì khóc ầm lên, nằng nặc đòi cho được. Tôi la mắng một lúc cháu mới chịu đi ngủ.

Hôm sau, bất ngờ có người gọi giao hàng, chính là cái đầm ấy, nhưng chỉ một cái. Tôi phát cáu, hét lên gọi cả hai vào, đinh ninh chính là cô bé em, vì cháu muốn gì là đòi cho bằng được. Con vừa chạy vào, tôi đã tức tối tát cháu một cái. Cháu nhìn sững tôi, không nói gì.

Thế nhưng, hỏi rõ chuyện, tôi mới biết đó là do cô chị đặt mua. Tôi đã đánh lầm cô em. Tôi xin lỗi, cháu không trả lời. Mấy hôm rồi cháu lầm lì phản ứng với tôi mọi thứ, dù thường thì cháu rất hay ôm mẹ. Tôi phải nói gì với các con? Các cháu đang tỏ ra xa lánh và rất sợ mẹ.

Cau xin loi cua cha me khi sai voi con cai rat quan trong
Con sinh đôi giống nhau, nhưng tính tính lại khác nhau

Lan Hương
(Thủ Đức)

Chị Lan Hương mến, 

Mỗi người chúng ta đều không ai giống ai. Hai bé sinh đôi của chị có thể bề ngoài giống nhau nhưng tính cách khác hẳn thì cũng bình thường, vì tính cách thuộc về con người bên trong riêng của mỗi người. Con người bên trong của chúng ta có suy nghĩ, cảm xúc và hành vi ứng xử khác biệt nhau, không ai giống ai.

Vì vậy, muốn dạy con cho phù hợp, cha mẹ cần hiểu kỹ về con người bên trong của từng đứa con của mình. Đây là một hành trình dài khi cha mẹ khám phá các con và khám phá chính bản thân trong vai trò làm cha mẹ.

Các con cũng thông qua tương tác với cha mẹ và những người xung quanh để tự khám phá chính mình. Hành trình này giúp con xây dựng sự tự tin và cha mẹ-con cái chấp nhận lẫn nhau; cho nên khó tránh những lúc hiểu lầm dẫn đến cư xử chưa phù hợp giữa cha mẹ-con cái.

Chuyện mua hàng online của hai con thể hiện rất rõ sự khác biệt giữa hai cháu. Cháu lớn cứng cỏi nên không phản đối, la khóc như em mà lẳng lặng tự đặt hàng. Cháu thứ hai tuy đòi quyết liệt nhưng mẹ không cho thì không dám làm. Nếu chị bình tĩnh hơn để suy xét thì sẽ phán đoán chính xác hơn là với tính cách của mình, cháu nhỏ sẽ không dám trái lời mẹ; tránh được việc đánh lầm vì nóng giận.

Đây cũng là lỗi nhiều cha mẹ phạm phải: phạt con trong cơn nóng giận. Nóng giận mà dạy con là chuyện tối kỵ. Giận mất khôn. Hình ảnh cha mẹ nóng giận đánh mắng con rất xấu và đáng sợ trong mắt con. Chị và cả nhiều phụ huynh khác nên rút kinh nghiệm, cần học cách kiểm soát cảm xúc khi dạy con.

Cháu thứ hai đang tổn thương, cháu thứ nhất thì đang sợ sự trút giận sau sự việc. Rất đáng mừng là chị đã kịp tìm sự tư vấn. Việc này cho thấy chị hiểu cảm xúc của các con, biết mình chưa đúng và muốn sửa chữa để giữ quan hệ tốt với các con. 

Mọi vấn đề đều sẽ có cách giải quyết. Với cháu thứ hai, chị nên có lời xin lỗi vì đã nóng quá, hiểu lầm mà đánh con. Câu xin lỗi của cha mẹ khi sai với con cái rất quan trọng, các cháu sẽ thấy cha mẹ tôn trọng mình, hiểu mình và sẵn sàng nhận lỗi khi làm điều không đúng.

Đó cũng là bài học để sau này các cháu biết nhận lỗi khi làm sai. Chị có thể tìm cơ hội ở riêng cùng con, chủ động ôm con vào lòng và nói rõ mọi chuyện với con. Hoặc trong giờ sinh hoạt gia đình, chị nói trước cả nhà về việc mình đã nóng giận, đã làm sai như thế nào.

Chị nói chuyện cũng là để cháu lớn biết chị đã giận thế nào khi con tự ý mua đồ không có sự cho phép của mẹ, cháu phải rút kinh nghiệm. Chị xin lỗi cháu thứ hai và không la mắng cháu thứ nhất sẽ giúp cả hai hiểu mẹ muốn gì ở mình, mẹ vẫn yêu thương mình. Từ chuyện này, các cháu có một bài học là sau này không nên làm gì khiến mẹ buồn…

Nếu bình tĩnh và tìm cách hiểu con, cha mẹ sẽ có hành động đúng khi dạy con hơn là lúc đang nóng giận và vội vã phán xét. Chúc chị và hai cháu sớm làm hòa, vui vẻ cùng nhau trong hành trình khám phá và chấp nhận lẫn nhau. 

Chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI