Câu chuyện mang tên Tòhe

22/01/2018 - 08:24

PNO - Đến với lớp học của Tòhe, chúng ta có thể chứng kiến hình ảnh các em khuyết tật hăng say vẽ bằng cùi chỏ, căn lề giấy bằng chân… nhưng tràn ngập yêu thương và tiếng cười.

Tôi gọi cho chị Phạm Thị Ngân, một trong hai người đồng sáng lập Tòhe - một doanh nghiệp xã hội mang đến cho trẻ em thiệt thòi sân chơi trải nghiệm nghệ thuật miễn phí, thương mại hóa các sản phẩm thủ công in tranh vẽ của các em, mang lại cho các em cơ hội có thu nhập từ hoạt động vui chơi của mình.

Chị đang bận rộn chuẩn bị cho chuyến đi lên núi và một cuộc bán hàng gây quỹ xây trường cho các em nhỏ dân tộc thiểu số ở Hà Giang. Chúng tôi không có nhiều thời gian để trò chuyện, nhưng tôi đủ hình dung ra chị, một phụ nữ kiên trì, quyết liệt với sự nghiệp kinh doanh, mang lại tác động xã hội cho cộng đồng. Một người mang văn hóa Việt đi ra các nước...

Cau chuyen mang ten Tohe
Chị Phạm Thị Ngân

Người kinh doanh tử tế

Chị giản dị khác xa với hình dung của tôi về một người Việt Nam duy nhất trong 121 gương mặt được Diễn đàn kinh tế thế giới lựa chọn là lãnh đạo trẻ toàn cầu năm 2016. Chúng tôi nói chuyện với nhau về Tòhe. Tòhe ra đời một cách đầy ngẫu nhiên, qua những chuyến đi dạy vẽ của chị cùng bạn bè tại các trung tâm khuyết tật. Trong chị ấp ủ ước mơ làm được gì đó cho các em.

Chị và anh Nguyên - chồng chị, đều có chung một cảm nhận, bên trong mỗi đứa trẻ là những nghệ sĩ tài năng, hồn nhiên, trong sáng, một tinh thần mà người lớn đã đánh mất. Những lúc ngồi vẽ cùng các em, chị thấy khuyết tật không hề là rào cản những bay bổng, sáng tạo và cảm xúc hồn nhiên.

Chị Ngân chia sẻ: “Khi chứng kiến các em say sưa vẽ với trí tưởng tượng phong phú dù bị khuyết tật hay mồ côi thiệt thòi, tôi lại chạnh lòng tự hỏi, phải chăng chính mình là người thiệt thòi, khuyết tật so với các em khi giữa cuộc sống đầy đủ nhưng lại luôn phải buồn lo toan tính?”.

Cau chuyen mang ten Tohe
 

Một trong những bước ngoặt làm nên ý tưởng thành lập Tòhe là khi chị cùng chồng đến thăm bảo tàng Picasso tại Barcelona. Câu nói ghi trên tường bảo tàng của Picasso: “Tôi chỉ cần bốn năm để có thể vẽ như Raphael, nhưng phải dành cả đời để vẽ như một đứa trẻ” đã làm anh chị thức tỉnh.

Vẻ đẹp trong tranh vẽ của trẻ em thực sự không chỉ có mình anh chị yêu thích và đánh giá cao, đó là vẻ đẹp kinh điển được công nhận bởi những nghệ sĩ bậc thầy trên thế giới. Vậy là Tòhe ra đời với mong muốn lan tỏa tinh thần hồn nhiên trong tranh vẽ của các nghệ sĩ nhí để truyền cảm hứng sống hồn nhiên cho thế giới, đồng thời mang lại cơ hội học tập, trải nghiệm và thu nhập cho các em.

Tranh của bọn trẻ được in lên các sản phẩm thời trang, phụ kiện và đồ trang trí gia đình để bán trong nước và xuất khẩu. 5% tiền bán hàng được trả cho các tác giả tranh vẽ để các em có thêm thu nhập, phụ giúp gia đình trang trải cuộc sống còn thiếu thốn khó khăn. 

Không những thế, một phần lợi nhuận được Tòhe tiếp tục mở rộng và phát triển những sân chơi trải nghiệm nghệ thuật cho trẻ em thiệt thòi khác trên các vùng miền Việt Nam. Bước ngoặt ấy với mọi người như một cú sốc, vì thời điểm ấy chị Ngân đang là người sáng lập và điều hành một công ty thiết kế quảng cáo có tiếng.

Nhưng vợ chồng chị đều đồng thuận thu gọn công ty, để dành tâm sức cho Tòhe. Vì với chị, Tòhe là một cái gì đó đẹp đẽ, tử tế, là những công việc khiến chị cảm thấy cuộc sống với công việc là một, được làm điều mình yêu thích, xứng đáng để chị hy sinh nhiều thứ của bản thân, dù phía trước còn quá mơ hồ.

Cau chuyen mang ten Tohe
Chị Phạm Thị Ngân (áo dài) cùng đoàn Việt Nam tại Hội chợ Tokyo Gift Show 2015

Không mơ hồ sao được, khi từ những kinh nghiệm của công ty cũ không mấy liên quan, nay chị phải đối mặt với những lĩnh vực hoàn toàn mới và hóc búa như: phát triển sản phẩm, nguyên vật liệu, gia công sản xuất, quản lý và kiểm soát chất lượng, bán hàng… Nhưng, có một điều đặc biệt mà theo chị, không phải kinh doanh loại hình nào cũng có thể cảm nhận được, xung quanh Tòhe là một "hệ sinh thái" những con người, những tổ chức tử tế, trong sáng và chân thành: từ nhân viên, nhà cung cấp, khách hàng, đối tác...

“Tôi yêu những điều nhỏ bé, tốt đẹp đang âm thầm chảy như những mạch ngầm nuôi dưỡng niềm tin và hy vọng vào những điều tốt đẹp trong xã hội, chứ không nhìn vào sự hào nhoáng, to tát nổi bật bên ngoài. Bạn không thể hình dung, mỗi điều tốt đẹp nhỏ bé ta làm hằng ngày có sức mạnh truyền cảm hứng cho bản thân và người khác sống đẹp hơn như thế nào” - Chị chia sẻ về câu nói của Dalai Lama: “Đạo của tôi là đạo tử tế”.

Câu nói ấy hình như vận vào chị, vào cách chị chọn cho mình cuộc sống, công việc. Hành trình hơn mười năm làm Tòhe cũng chính là hành trình trưởng thành của bản thân vợ chồng chị. Từ những con người bị cuốn theo công việc không biết đêm ngày, coi thành công là tiền tài, danh vọng đến con người hôm nay, nhận biết và trân trọng từ những điều nhỏ bé. 

Mang văn hóa Việt đi xa

Bước vào Tòhe những ngày này, bao quanh là màu sắc, là những món đồ xinh xắn đáng yêu, từ quần áo, túi xách; những hình ảnh ngộ nghĩnh, dễ thương đầy biểu cảm từ tranh vẽ của trẻ em sẽ làm cho bất cứ người khách nào cũng thấy bất ngờ thú vị. Từ khi được thành lập đến nay, Tòhe đã tổ chức hàng nghìn sân chơi trải nghiệm nghệ thuật miễn phí cho hàng nghìn em nhỏ thiệt thòi tại hơn 30 trung tâm bảo trợ xã hội hoặc trường học trên khắp cả nước.

Cau chuyen mang ten Tohe
Những sản phẩm của Tòhe đã mang một phần văn hóa Việt ra thế giới

Đến với lớp học của Tòhe, chúng ta có thể chứng kiến hình ảnh các em khuyết tật hăng say vẽ bằng cùi chỏ, căn lề giấy bằng chân… nhưng tràn ngập yêu thương và tiếng cười. Các cô giáo Tòhe đôi khi chưa đủ những kỹ năng về giáo dục đặc biệt để hướng dẫn các em, nhưng trên hết, các cô là những người bạn thân thực sự mà trẻ có thể chia sẻ, tin tưởng, tự do thể hiện hết mình với những ý tưởng, màu sắc tưởng như điên rồ, phi lý…

Những tình cảm và màu sắc hồn nhiên của các em sẽ được in lên những sản phẩm dễ thương, đi đến khắp chốn, để mỗi người sử dụng được nhắc nhở mình từng là một đứa trẻ, luôn có một đứa trẻ hồn nhiên, trong sáng đầy yêu thương ở bên trong chờ ta đánh thức, để ta sống yêu thương, chân thành mỗi ngày. Những sản phẩm chứa đựng tinh thần hồn nhiên của Tòhe giúp mang một phần tinh thần và văn hóa Việt ra thế giới.

Tò he vốn là tên gọi của một đồ chơi dân gian thân thuộc của trẻ em Việt Nam từ thời xa xưa, được làm bằng bột gạo và nhuộm màu tự nhiên mà sau khi chơi xong có thể ăn được. Đồ chơi tò he của dân gian Việt Nam có ý nghĩa rất gần với sứ mệnh của Tòhe: mang đến cho trẻ em cơ hội vui chơi và học hỏi, đồng thời mang lại thu nhập từ vui chơi giúp các em cải thiện cuộc sống. Tòhe hướng đến xây dựng một văn hóa biết ơn và sống có trách nhiệm với môi trường.

Các sản phẩm hầu hết được làm từ vải mộc 100% cotton dệt tại Việt Nam với mực in an toàn cho trẻ nhỏ. Các sản phẩm của Tòhe đã có mặt tại rất nhiều quốc gia như: Úc, Mỹ, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… minh chứng cho sự nghiệp lan truyền cảm hứng sống hồn nhiên bước đầu gặt hái được quả ngọt.

 Lan Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI