Các mẹ nên biết 14 nguyên tắc chơi với con

21/07/2017 - 10:53

PNO - Đã từ lâu khoa học chứng minh được rằng trò chơi giúp trẻ em phát triển, giúp người ta phát hiện ra những khả năng sáng tạo và trí thông minh của trẻ, giúp trẻ nhận biết thế giới và chính bản thân

Để có thể đạt được tất cả những điều đó, ngưới lớn, nhất là cha mẹ phải là người giúp đỡ và là bạn chơi tốt nhất của con. Có 14 nguyên tắc giúp bạn có thể chơi với trẻ tốt nhất do các chuyên gia tâm lý đưa ra.

1. Hãy cố gắng sao cho cả bạn lẫn con bạn đều cảm thấy vui vì trò chơi. Hãy nhớ rằng con trẻ thích quá trình chơi trò chơi chứ không phải là kết quả của nó. Hãy cùng vui với con và hãy khen con.

2. Trẻ có thể đang thích thú với trò chơi, nhưng bạn vẫn luôn phài theo dõi sao cho trẻ đừng chóng chán, đừng bắt trẻ chơi cho đến hết trò chơi, cứ để trẻ chơi cho đến khi nào nó thấy còn vui và còn muốn chơi.

Cac me nen biet 14 nguyen tac choi voi con
Cùng chơi với con

3. Đừng làm cho trẻ cảm thấy bị xúc phạm bằng những nhận xét về trí tuệ hay thể lực của trẻ. Nếu trẻ chơi thất bại hãy rủ trẻ chơi trò khác hoặc hướng sự quan tâm của trẻ sang các vấn đề khác thú vị hơn.

4. Hãy nhớ rằng trong các trò chơi trí tuệ thì ý nghĩa của trò chơi nằm ở chỗ trẻ tự mình thực hiện mọi nhiệm vụ của trò chơi. Vì thế đừng mách nước cho trẻ, hãy để  trẻ tự suy nghĩ, tự quyết định và sai lầm, tự hiểu ra những sai lầm của mình. Chỉ có như thế trẻ mới có thể phát triển và dần dần biết cách xử lý những nhiệm vụ khó hăn hơn.

5. Với những trò chơi có mức độ phức tạp cao bạn hãy tìm hiểu và thử chơi chúng trước khi đưa cho trẻ chơi.

6. Hãy bắt đầu bằng những trò chơi dễ mà trẻ có thể tự chơi được. Thành tích đầu tiên sẽ khiến trẻ thích thú và hứng khởi với việc chơi trò chơi.

Cac me nen biet 14 nguyen tac choi voi con
Bắt đầu từ trò chơi dễ

7. Nếu bạn thấy trẻ không thể chơi được trò chơi thì có nghĩa là bạn đã đánh giá không đúng khả năng của trẻ trong mức độ phát triển đó. Hãy thay đổi trò chơi, nghỉ ngơi, vài ngày sau hãy quay lại với trò chơi đó và bắt đầu từ những cấp độ dễ hơn. Bạn có thể cho phép trẻ tự chọn những nhiệm vụ theo khả năng của mình – đừng quấy rầy trẻ và đừng hối trẻ.

8. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của bạn là quan sát sự phát triển của trẻ và những thành tích của trẻ , dựa vào đó mà quyết định những trò chơi mới cho trẻ.

9. Hãy nhớ rằng trẻ em rất dễ thay đổi sự say mê của mình. Nếu trẻ đã chán trò chơi nào thì bạn hãy bỏ trò chơi đó sang một bên trong vòng khoảng một vài tháng. Sau đó bạn làm như tình cờ nhắc đến nó và mang nó ra cho một đứa trẻ khác xem khi có con bạn ở đó. Rất có khả năng con bạn sẽ thấy vui thích được quay lại với trò chơi đó.

10. Các trò chơi trên bàn đặc biệt là các trò chơi có những chi tiết nhỏ để lắp ráp, sử dụng bạn nên  cất chúng ở những nơi dễ thấy nhưng không dễ với tới đối với trẻ. Điều ấy vừa giúp giữ gìn đồ chơi, vừa giúp trẻ có thể tự cảm thấy muốn chơi và yêu cầu chúng.

11. Những trẻ còn nhỏ rất thích khi người lớn làm cho các trò chơi trở nên sinh động bằng các câu chuyện, cho chúng những tên gọi và cá tính riêng. Hãy để cho trí tưởng tượng của bạn được bay bổng và trẻ sẽ say mê trò chơi.

12. Trẻ em thường có khuynh hướng thể hiện những phẩm chất phát triển nhất của mình và điều đó phụ thuộc vào sự quan tâm thích thú của chúng với trò chơi này hay trò chơi khác. Thí dụ, đứa trẻ hay suy nghĩ, thích lập luận sẽ không thích những trò chơi hiếu động còn những đứa trẻ linh hoạt, năng động sẽ khó mà mê trò chơi ghép hình.

13. Trong khi chơi, bạn cần tạo ra một bầu không khí cởi mở để trẻ có thể thoải mái và tự do thể hiện cảm xúc của mình. Đừng ngăn cản trẻ thể hiện các cảm xúc – trẻ em thường rất bạo dạn và nhạy cảm.

14. Với trẻ lớn hơn, bạn có thể đặt ra những cuộc thi đua để đạt được thành tích trong thời gian nào đó. Đừng sợ bị thua chính con mình – bạn sẽ không mất uy tín vì điều đó, cũng đừng giả vờ thua, con bạn có thể cảm nhận được điều đó.

Thúy Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI