Các con tôi chính là đồng tác giả của '30 ngày cùng con học hiểu về chống xâm hại'

24/07/2017 - 10:32

PNO - 30 ngày cùng con học hiểu về chống xâm hại là một trong những cuốn sách được phụ huynh xem là “cẩm nang” chống xâm hại tình dục (XHTD) cho trẻ.

Tác giả, nhà báo - nhà văn Hoàng Anh Tú, đã có cuộc trao đổi với báo Phụ Nữ TP.HCM quanh chuyện phòng chống xâm hại trẻ em.

Cac con toi chinh la dong tac gia cua '30 ngay cung con hoc hieu ve chong xam hai'
 

* Anh Chánh Văn - Hoàng Anh Tú đã đóng dấu tên tuổi với nhiều cuốn sách viết về tuổi mới lớn, về tình yêu giới trẻ, hôn nhân gia đình. Điều gì khiến anh quan tâm tới XHTD và quyết cùng con chống xâm hại?

- Trong 12 năm đứng vai anh Chánh Văn trên báo Hoa Học Trò, những lá thư tâm sự của các em học sinh về việc các em bị xâm hại thể xác, tinh thần đã khiến tôi trăn trở. Trên trang báo của mình, chúng tôi đã có nhiều tuyến bài về vấn đề này. Nhưng bao nhiêu cũng vẫn chưa đủ, khi chính cha mẹ, người lớn không nhận thức được đầy đủ về việc con em mình bị xâm hại.

Gần đây, khi hàng loạt vụ XHTD trẻ em được các báo đồng loạt vào cuộc phanh phui, tôi cũng có điều kiện tham gia nhiều diễn đàn với danh nghĩa khách mời, thì sự thôi thúc cần phải ra một cuốn sách như thế mới hình thành. Tôi nghĩ, dù hơi muộn nhưng còn hơn, nhất là khi tôi có ba đứa con, các bé đều đang ở cái độ tuổi bị đe dọa sự an toàn.

Chính các con cũng là “đồng tác giả” với tôi trong cuốn sách này, bằng chính những câu hỏi của các con, những tình huống tôi đặt ra cho các con. Quả thực, cứ nhìn cách con mình sợ hãi mà tôi không an lòng. Và cuốn sách ra đời như thế.

Cac con toi chinh la dong tac gia cua '30 ngay cung con hoc hieu ve chong xam hai'
Nhà văn Hoàng Anh Tú

* Là bố của ba cô bé, cậu bé, anh thấy việc dạy con chống XHTD có khó không? 

- Khó chứ! Dù tôi, tạm cho là, người có nghề, tôi dạy các con hiểu về giới tính từ khi các bé còn rất nhỏ, thế mà khi tôi đặt ra những tình huống, các con tôi vẫn lúng túng. Chính tôi nhiều lúc cũng lúng túng theo. Chẳng hạn việc các con khăng khăng không tin ai đó lại muốn làm đau các con, khi mà chúng rất ngoan.

Chẳng hạn, các con sợ hãi khi tôi nói về việc kẻ xâm hại sẽ làm gì các con. Chẳng hạn khi tôi dạy các con phản ứng lại với những điều các con không thích. Giáo dục của ta đang dạy trẻ một chiều: người lớn luôn đúng - nếu người lớn làm sai thì đó cũng là có lý do. Trẻ em luôn phải tuân theo người lớn thì mới ngoan. Trẻ em nào không nghe lời người lớn thì đó là đứa trẻ hư. Thực sự, tôi không biết các bậc cha mẹ khác, ít tìm hiểu thông tin, sẽ dạy con kiểu nào nữa.

* Thưa anh, cần chú ý gì để các con không bị rơi vào tình trạng đã được học cách phòng bị xâm hại nhưng... quên hết khi rơi vào tình huống nguy hiểm?

- Đó cũng là lý do thay vì tôi viết ra một cuốn sách dày đặc chữ, tôi chọn cách sử dụng tranh vẽ nhiều hơn. Hình ảnh giúp trẻ dễ nhớ hơn chữ viết. Thứ hai, thay vì chỉ là những kỹ năng, tôi biến nó thành những tình huống để cha mẹ có thể cùng con tập dượt.

Thứ ba, tôi đưa ra những tình huống đơn giản nhất để chính trẻ sẽ cùng cha mẹ từ đó để nâng cấp lên theo độ tuổi, môi trường cũng như tính cách trẻ. Tôi chọn trẻ làm trung tâm, và cha mẹ bắt buộc phải thành vệ tinh. Thiếu một trong hai là không được.

* Chỉ 30 ngày học hỏi có đủ để tránh nguy hại cho một đứa trẻ không, thưa anh?

- Nhiều người đã hỏi tôi tại sao chỉ là 30 ngày mà không phải là 100 ngày hay suốt đời? Thực ra, con số 30 ngày chỉ mang tính biểu tượng, là một vòng tuần hoàn của mỗi tháng. Để đọc cuốn sách có khi chỉ cần 15 phút, nhưng để cùng con thực hành cuốn sách chắc chắn 30 ngày không đủ. Chừng nào cha mẹ còn quan tâm đến con, thì chừng đó họ vẫn trong vòng tuần hoàn cùng con như thế. Là cùng con, chứ không phải thảy sách cho con là xong.

* Sách dành cho trẻ 5-15 tuổi. Vì sao anh chọn giới hạn tuổi này, khi nhiều phụ huynh cho rằng cần dạy con phòng chống XHTD từ tuổi lên ba?

- Tôi không hạ độ tuổi xuống quá thấp hay mở rộng biên độ tuổi lên cao hơn, tuổi 15 vì tôi đang “sử dụng” chính ba đứa trẻ nhà tôi là trung tâm trong “nghiên cứu”. Bé út năm nay lên lớp 1, còn bé lớn nhất năm nay vào cấp II. Tôi học cách hiểu chúng và cố gắng làm ra một cuốn sách chúng đọc thấy thích.

Nhưng quan trọng hơn, độ tuổi này là vừa đủ để trẻ học hiểu về chống xâm hại. Dưới 5 tuổi, cha mẹ sẽ phải là người kèm sát bên con. Từ 5 đến 15 tuổi, con đã có những khoảng không gian riêng của chúng và chúng ta cần cung cấp cho con kiến thức để con tự bảo vệ khi không có mặt cha mẹ.

* Anh nghĩ gì về nạn XHTD trẻ em hiện nay, khi mà hầu như tuần nào, tháng nào lên báo, lên mạng đều có thể gặp những thông tin gây giật mình, căm phẫn?

- Tôi nghĩ XHTD trẻ em không phải hệ lụy từ cái nghèo hay dân trí thấp. Ở các nước giàu có và văn minh hơn chúng ta rất nhiều, số vụ XHTD trẻ vẫn ở mức cao. Thế nên, không thể nói rằng đất nước chúng ta đang bất ổn, con cái chúng ta đang không an toàn.

Hãy nhìn một cách tích cực rằng, các thông tin dồn dập cho thấy báo chí đã thực sự quan tâm và chiến đấu với cái ác. Chúng ta đưa ra ánh sáng vụ nào thì đó là giúp sức cho không chỉ đứa trẻ bị xâm hại mà còn cho những tình huống tương tự. Các nhà báo đang chiến đấu không khoan nhượng với kẻ xấu. Bởi chính các nhà báo cũng là các bậc làm cha, làm mẹ.

Việc của chúng ta không phải là sợ hãi, mà phải cùng nhau lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa. Ở một môi trường mà chúng ta mạnh mẽ, pháp luật nghiêm khắc, cha mẹ quyết liệt bảo vệ con thì kẻ xấu sẽ biết sợ mà không dám hành động. Đơn cử, chừng nào, những kẻ như Minh Béo vẫn thản nhiên mở lớp tuyển sinh và các cha mẹ vẫn hồn nhiên cho con theo học thì sẽ có thêm nhiều Minh Béo khác... 

Võ Thu Hương 
(thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI