5 điều cha mẹ cần làm để chị em gái không tị hiềm với nhau

16/09/2017 - 14:00

PNO - Có lần, chồng tôi đi công tác về, có mua quà cho hai con. Quà của cháu nhỏ chỉ là một cái nón xinh xinh, nhưng cháu lớn nhất định giành của em.

Tôi có 2 con gái cách nhau 10 tuổi, cháu lớn đang học lớp Bảy. Vợ chồng tôi từng nghĩ, khoảng cách tuổi tác giữa 2 con sẽ giúp chúng tôi thuận lợi trong việc dạy con, vì cháu lớn đã "biết điều" hơn.

Thế nhưng, tôi lại nhận thấy cháu lớn ngày càng ích kỷ, chẳng những không biết nhường nhịn em mà còn tranh giành mọi thứ, thậm chí đánh em nhiều lần. Cháu hình như không biết thương em, hơn thua với em từng chút một. Có lần, chồng tôi đi công tác về, có mua quà cho hai con. Quà của cháu nhỏ chỉ là một cái nón xinh xinh, nhưng cháu lớn nhất định giành của em.

Tôi giận nên quát con không biết thương em và đánh cháu 2 roi. Đến trưa, tôi bất chợt nghe cháu nhỏ khóc thét lên, chạy đến xem thì thấy cháu lớn đang đánh em, miệng gào la: “Tại mày mà tao không có món đó”… Tôi thật sự rất hoang mang, mong được tư vấn.

Thu Liễu (Q.Bình Thạnh)

5 dieu cha me can lam de chi em gai khong ti hiem voi nhau
 

Chị Liễu mến, 

Chúng ta hãy cùng phân tích hành vi của con gái chị xem cháu hành động như vậy là do nguyên nhân từ đâu, để giúp cháu sửa đổi. Cháu hơn em 10 tuổi, nghĩa là đã có 10 năm được cha mẹ chăm sóc, nâng niu, không phải chia sẻ từ vật chất đến tình cảm, sự quan tâm của cha mẹ cho bất kỳ người nào.

Vì thế, khi em sinh ra, có thể cháu bị hụt hẫng vì thấy mình bị em lấy đi một phần sự quan tâm của mẹ. Cơ chế phòng vệ sẽ thúc đẩy cháu chống lại em để giữ những gì của mình đang bị lấy mất. Biểu hiện cụ thể bên ngoài của cháu là sự ích kỷ, là thái độ tranh giành với em… nhưng nhu cầu tâm lý thật sự của cháu lại là muốn có được tình yêu của cha mẹ. 

Cháu giành món đồ của em chỉ để thỏa mãn ý muốn thắng được em, chứ không phải cần dùng hay yêu thích món đồ đó. Cũng có thể, cháu đang gặp một ức chế nào đó ở trường, trong quan hệ với thầy cô, bạn bè nên khi về nhà dễ nổi xung với em, muốn thể hiện quyền lực, muốn chứng minh mình cần gì là được nấy. Nếu nguyên nhân này, chị nên phối hợp với giáo viên để tìm hiểu. 

Cháu đang học lớp Bảy, đúng tuổi dậy thì, đang trong quá trình hình thành bản sắc cá nhân. Cho nên, cháu dễ tổn thương, dễ nổi loạn và đang cần học cách ổn định tâm lý, cách giao tiếp, ứng xử để được là chính mình. Cháu cần cha mẹ hiểu và thông cảm nhiều hơn.

5 dieu cha me can lam de chi em gai khong ti hiem voi nhau
Chị em gái thật ra rất thương nhau. Ảnh minh họa

Những biểu hiện của cháu với em chỉ là phần nổi, phần chìm là những nguyên nhân sâu xa về cảm xúc dồn nén nhiều năm hay những ức chế khác chưa rõ. Anh chị đừng vội trách phạt hay áp đặt cháu phải yêu thương em. Tình yêu thương là tiếng nói từ trái tim chứ không thể cưỡng ép được.

Một người chỉ có thể yêu thương người khác khi họ cảm nhận đầy đủ tình yêu thương từ những người xung quanh, đặc biệt từ cha mẹ. Vì vậy, xin đề nghị với chị vài giải pháp sau:

1. Không trách mắng, đánh con về hành vi bạo lực với em. Cha mẹ chỉ cần ngăn chặn hành vi xấu và phân tích đúng sai cho con hiểu. Thông cảm với sự nóng nảy của con.

2. Chia sẻ cảm xúc với con về việc con cũng thích món đồ đó và mở ra cho con một giải pháp là lần sau cha mẹ sẽ đưa con đi mua đồ, để con được tự chọn món mình thích và chọn cả cho em. Nếu cha mẹ tự mua thì nên mua cho cả hai giống nhau.

3. Yêu thương, quan tâm đến con nhiều hơn, để con yên tâm là dù có thêm bao nhiêu đứa em nữa thì tình cảm cha mẹ dành cho mình vẫn không thay đổi. 

4. Cho con được phát huy vai trò chị cả trong nhà như giúp mẹ chăm sóc em. Khi được đề cao vai trò và được gần gũi em nhiều hơn, con sẽ dần nảy sinh tình cảm yêu thương với em. 

5. Khen ngợi con nhiều hơn, tập trung vào những ưu điểm của con thể hiện qua hành vi để con thấy cha mẹ luôn quan tâm và đánh giá cao mình. Hướng con đảm nhiệm việc dạy em thay cha mẹ để chị em gần gũi và có trách nhiệm với nhau hơn.

Khi con đã tạo được sự tự tin vào bản thân thì sẽ bớt dần những hành vi cố ý lôi kéo sự quan tâm từ người khác, bớt dần cách cư xử tiêu cực với em. 

Con gái chị cần được học cách yêu thương chính mình, để từ đó biết yêu thương em. Cháu đang rất cần được cha mẹ giúp đỡ bằng tình yêu thương và rất nhiều kiên nhẫn. Chúc chị thành công.

Chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI