Nhịn ăn giảm cân: Thanh lọc cơ thể an toàn?

14/07/2014 - 19:09

PNO - PN - Giữ vóc dáng và thanh lọc cơ thể đang là vấn đề được quan tâm, nhiều phương pháp được lan truyền trên mạng. Cái chết của một nữ sinh 18 tuổi tại Hà Nội sau 12 ngày nhịn ăn làm nhiều người băn khoăn: có nên nhịn ăn để...

Nhin an giam can: Thanh loc  co the  an toan?

 Nhịn ăn để phòng bệnh và hỗ trợ điều trị

ThS-BS Quan Vân Hùng, nguyên Trưởng khoa Nội II, Viện Y học dân tộc TP.HCM cho biết: nhịn ăn có thể áp dụng trên bệnh cấp tính và mạn tính. Khi bị bệnh cấp tính (cảm cúm, nhiễm siêu vi...), phản ứng tự nhiên của cơ thể là tập trung năng lượng để trị bệnh, do đó một số cơ quan không hoạt động liên tục, trong đó bộ máy tiêu hóa sẽ tự điều chỉnh, khiến bệnh nhân chán ăn, ngửi thấy thức ăn có cảm giác buồn nôn... Nhịn một vài bữa không lo suy dinh dưỡng vì cơ thể luôn có nguồn dự trữ. Nếu bệnh nhân là người béo phì thì đây là dịp rất tốt để giảm cân.

Với bệnh mạn tính hay người bình thường, nhịn ăn giúp bộ máy tiêu hóa được nghỉ ngơi, toàn bộ niêm mạc của đường tiêu hóa nhờ đó được phục hồi. Nhịn ăn một thời gian giúp cải thiện hoạt động hệ tiêu hóa, ngăn chặn những tác nhân gây bệnh từ ăn uống; giúp cơ thể tự thanh lọc, khử độc rất hiệu quả.

Khi nhịn ăn, thiếu năng lượng cung cấp từ bên ngoài, cơ thể phải sử dụng những nguồn năng lượng sẵn có, ưu tiên chọn nguồn mỡ-đường-đạm dư thừa, kể cả tế bào - mô viêm, bất thường… theo một cơ chế gọi là tự tiêu hóa, tự phân hủy. Cụ thể như chuyển hóa mỡ dự trữ, phóng thích những axít béo tự do vào máu, đưa qua gan để tạo thành năng lượng.

Khi lượng mỡ dự trữ được tiêu thụ càng nhiều thì nhiều chất độc hại, tích trữ trong mô mỡ sẽ được phóng thích, đưa vào máu và đào thải ra ngoài cơ thể. Ngay cả những độc chất không tìm thấy trong thức ăn nhưng đã được cơ thể hấp thu từ môi trường xung quanh (qua đường hô hấp, qua da,…) như chất DDT, một vài chất trong thuốc trừ sâu tích trữ tại mô mỡ sẽ được loại khỏi cơ thể trong quá trình nhịn ăn (điều này đã được chứng minh bằng các xét nghiệm tìm thấy DDT trong phân, nước tiểu của những người đang thực hành phương pháp nhịn ăn).

Ngoài ra, các độc chất có sẵn trong cơ thể từ quá trình tiêu hóa thực phẩm như axít uric - gây bệnh gút, urê, NH3… (ứ đọng quá nhiều do ăn uống dư thừa trong quá khứ) cũng được cơ thể “thanh toán” nhanh chóng. Nhịn ăn là một quá trình thanh lọc cơ thể, giải độc tự nhiên, do đó có kết quả tốt trên hệ thần kinh, trí óc minh mẫn, sáng suốt, giảm lo âu, ngủ ngon.

Tuy vậy, BS Hùng khuyến cáo: để nhịn ăn có hiệu quả cao, tránh các tai biến, cần nắm vững phương pháp. Nên nhịn ăn trong một môi trường không khí trong sạch, luôn luôn có kết hợp luyện thở (tăng cường lượng oxy để thay thế phần nào thức ăn), tập thể dục nhẹ, tránh lao động nặng, stress, có chuyên viên kinh nghiệm hướng dẫn, theo dõi và giúp đỡ. Nhịn ăn nhưng không nhịn uống. Nên uống kèm nước trái cây. Thời gian nhịn ăn từ một đến ba ngày tùy bệnh lý, sức khỏe. Nhịn ăn những lần sau có thể lâu hơn nhưng luôn luôn phải có chuyên viên theo dõi sát để phòng tai biến.

Nhin an giam can: Thanh loc  co the  an toan?

Thanh lọc giải độc bằng cách tẩy xổ và lợi tiểu

Theo DS Trần Văn Trễ - nguyên Trưởng phòng Dược liệu, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, loại thải các chất độc tồn đọng trong cơ thể là một cách trị bệnh theo Đông y.

Hai cơ quan rất quan trọng để bài tiết, loại thải chất cặn bã ra khỏi cơ thể là ruột già (thải phân) và thận (thải nước tiểu); ngoài ra còn có các tuyến mồ hôi (thải mồ hôi) và phổi (thải khí carbonic và các chất độc khác qua đường thở). Nếu vì một nguyên do nào đó mà các cơ quan này suy yếu, không làm tròn nhiệm vụ, chất độc sẽ tồn đọng, gây độc, biểu hiện là da kém tươi nhuận, có thể có triệu chứng ngứa, thân mình nặng nề, mệt mỏi, ăn ngủ không ngon, sưng đau khớp, viêm gan...

Lúc đó các thầy thuốc phải dùng đến phép tẩy xổ, lợi tiểu để giúp cơ thể thải độc. Về nguyên tắc là dùng các vị thuốc có tác dụng hạ lợi, nhưng liều lượng và thời gian bao nhiêu thì còn tùy vào sức khỏe, tổng trạng của người bệnh. Trong quá trình điều trị, thầy thuốc phải theo dõi liên tục, vì việc tẩy xổ, lợi tiểu có liên quan đến cân bằng thể dịch, cân bằng ion, cân bằng kiềm toan... Mất cân bằng thái quá có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Muốn thanh lọc cơ thể, theo Đông y là giữ cho cơ thể mạnh khỏe, cụ thể là ruột và thận, tập thói quen đi tiêu tiểu đúng giờ mỗi ngày. Các thầy thuốc Đông y khuyên mỗi tháng nên tẩy xổ một lần, uống đủ nước và ăn vừa đủ để bụng không đầy và nặng, nhu động ruột được điều hòa.

 Nga Thanh (ghi)

  

Cần tìm hiểu thông tin qua tài liệu chính quy

Phương pháp thanh lọc cơ thể bắt nguồn từ thiền và khí công. Tuy nhiên, đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào về hiệu quả của phương pháp này.

Chúng ta nên biết, sinh lý bình thường của con người là mỗi ngày nhận dinh dưỡng để nuôi sống cơ thể, đồng thời cơ thể cũng có cơ chế thải chất độc: mồ hôi, nước tiểu và phân.

Cần chủ động giảm lượng chất độc vào cơ thể (như hút thuốc lá, dung nạp chất không rõ nguồn gốc, chất ôi thiu…), tập thể dục đều đặn và uống nhiều nước để thải chất độc ra bằng đường tiểu, ăn nhiều chất xơ để thải qua đường phân, tránh táo bón làm “lưu trữ” chất độc…

Việc nhịn ăn, uống nước để giải độc trong thời gian dài sẽ làm hại cho các tế bào trong cơ thể, nhưng có thể do các tế bào chỉ chết 20 hoặc 30% nên chúng ta không thấy hoặc không biết được (trường hợp của bạn nữ ở Hà Nội bị chết não).

Trên thực tế, nếu cá nhân nào cho rằng đã áp dụng thành công thanh lọc giảm cân thì sự thành công đó chỉ mới trên danh nghĩa cá nhân. Với khoa học, mọi sự việc đều phải được chứng minh cụ thể. Khi muốn áp dụng biện pháp can thiệp nào đó, cần phải biết rõ cơ sở khoa học của nó, đồng thời tài liệu đó phải được công bố chính quy.

BS Đào Thị Yến Phi
- Trưởng khoa Dinh dưỡng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Cập nhật diễn biến cơ thể từng ngày

Sau 10 ngày nhịn ăn, chỉ uống nước, tôi đã giảm được gần 6kg. Trong suốt quá trình này, tôi đều thực hiện có sự tư vấn của bác sĩ, cập nhật diễn biến cơ thể từng ngày: đo huyết áp, nhịp tim, cân nặng, theo dõi sự khác thường của cơ thể, sự thay đổi của làn da và luôn giữ chế độ thể dục đều đặn kết hợp với thiền.

Những triệu chứng xảy ra khi áp dụng phương pháp nhịn ăn: vào những ngày đầu, lần lượt có thoáng tê tê vài giây ở thái dương trái, ngón chân cái bàn chân trái, ngón trỏ cả hai bàn tay; bị hôi miệng, lưỡi có bợn trắng; khả năng tập trung làm việc hơi kém, có dịch nhờn ở mũi và cổ họng; da sạm hơn, nổi mụn… Sau đó, tinh thần phấn chấn hẳn, chứng hôi miệng mất dần, da sáng và mịn hơn. Tuy vậy, nhịp tim có lúc tăng nhanh.

Lưu ý, trước khi áp dụng phương pháp nhịn ăn, cần: Khám và xét nghiệm sức khỏe kỹ lưỡng. Quan sát, lắng nghe để hiểu cơ thể của bạn phù hợp với phương pháp nào. Trao đổi chi tiết với bác sĩ tin cậy, được bác sĩ chấp thuận. Nếu có bất kỳ biểu hiện nào khác thường, lập tức dừng ngay, khi dừng không được ăn ngay mà phải có hai-ba ngày ăn lỏng để hệ tiêu hóa không thương tổn.

 Đạo diễn, diễn viên Mỹ Khanh

Kết hợp công thức 4t

Cách đây tám năm, tôi điều trị bệnh ung thư ngực, hóa trị khoảng 10 đợt. Sau đó, tôi áp dụng phương pháp điều trị của ThS-BS Quan Vân Hùng tại Viện Y học dân tộc TP.HCM: nhịn ăn, kết hợp uống nấm linh chi, bột tam thất, nước táo, dừa xiêm, tập dưỡng sinh và yoga.

Ngày đầu tiên, tôi có cảm giác đói, sau đó là cảm giác xuống sức sau ba ngày nhịn ăn. Sang ngày thứ năm cảm giác xuống sức không còn. Đến hết ngày thứ 10, tôi giảm được 3kg, cảm nhận sự nhẹ nhàng trong cơ thể.

Ngoài ra, tôi còn áp dụng công thức 4T của BS Hùng, vừa điều trị bệnh, vừa giữ mức trọng lượng theo yêu cầu: 1. Tinh thần lạc quan: tin tưởng mình khỏi bệnh. 2. Thực phẩm: chọn thức ăn tốt cho sức khỏe. 3. Thể dục: hằng ngày và thường xuyên. 4. Thuốc.

 Bà Mai Sương
 Công ty bảo hiểm Prudential VN

Chỉ là phương pháp cấp tốc

Tôi đã từng thử nghiệm phương pháp kết hợp nhịn ăn và thở khí công đơn giản trong bảy ngày khá hiệu quả. Điều quan trọng hơn cả nhịn ăn là phải thở đúng cách.

Tuy nhiên, cơ thể mỗi người có những biểu hiện thải chất độc khác nhau nên cần phải tìm hiểu toàn bộ quy trình trước khi thực hiện. Cần có sự hỗ trợ của chính những người đã trực tiếp trải nghiệm thành công để giúp mình có kiến thức, ý chí. Tùy từng người mà có số ngày nhịn ăn, cách thở hợp lý. Sau khi nhịn ăn thì ăn uống trở lại như thế nào cho khoa học cũng rất quan trọng.

Việc thỉnh thoảng nhịn ăn giải độc cơ thể là rất tốt nhưng đó cũng chỉ là phương pháp cấp tốc. Điều quan trọng lâu dài là phải giữ cho bản thân không bị đầu độc bằng các suy nghĩ, hành động tiêu cực. Cần chú trọng từng bữa ăn, phải thanh khiết cả về dinh dưỡng, cách nấu nướng lẫn “thức ăn” cho tâm trí.

BS Nguyễn Thị Kim Hưng -

Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI