Melaka - chớp mắt về thời quá khứ

21/07/2017 - 07:00

PNO - Giá trị của thành phố cổ này nằm ở sự đan xen giữa các nền văn hóa và sắc tộc cùng thời quá khứ giàu có và đầy màu sắc của một trong những vương quốc Hồi giáo cổ nhất đất Mã Lai.

Những bài viết về du lịch, trang blog cũng như các công ty lữ hành cứ lặp đi lặp lại mãi một “điệp khúc” năm này sang năm nọ, rằng “hãy đến với Melaka vì đây là một thiên đường ẩm thực và mua sắm”, đại loại thế.

Cứ vậy mà đã có không ít du khách, bao gồm cả người Việt đến Melaka với mặc định về nơi này như một “thiên đường ẩm thực và mua sắm” mà quên mất rằng giá trị của thành phố cổ này nằm ở sự đan xen giữa các nền văn hóa và sắc tộc cùng thời quá khứ giàu có và đầy màu sắc của một trong những vương quốc Hồi giáo cổ nhất đất Mã Lai.

Melaka - chop mat ve thoi qua khu
 

Melaka (tiếng Anh: Malacca) là bang nhỏ thứ ba của Malaysia, sau Perlis và Penang, được UNESCO công nhận là di tích lịch sử hồi năm 2008.

Từng có cây bút nào đó ví von Melaka như người anh em sinh đôi của phố cổ Hội An, nhưng thực chất, chỉ một phần nhỏ của Melaka có nét tương đồng với Hội An.

Như đã đề cập ở trên, Melaka là một thành phố của nhiều luồng văn hóa đan xen, tuy nhiên sự pha trộn ấy không hề khiến thành phố biến thành một đống hỗn độn mà ngược lại, tạo nên nét chấm phá riêng hiếm nơi nào có được.

Người khách phương xa rồi sẽ như bước chân vào một ngôi làng kỳ thú, nơi mà vừa mấy phút trước còn choáng ngợp trước lối kiến trúc Hà Lan của nhà thờ Christ hay mái vòm khảm đá cẩm thạch đủ màu của thánh đường Hồi giáo thì mấy phút sau đã tràn ngập trong một bầu không khí rất đỗi thân quen khi nhác thấy những ngôi nhà giản đơn theo kiến trúc Hoa ở phố Jonker. 

Melaka - chop mat ve thoi qua khu
 

Nói một cách chính xác, phố Jonker (tên gọi cũ là Jalan Hang Jebat) chính là Hội An của Malaysia với những con phố yên tĩnh, hai bên là hai dãy nhà nhuốm màu thời gian san sát nhau, điểm xuyết một vài quán cà phê bé xinh, cửa hàng quà lưu niệm, một hiệu trà, rượu, trang sức bạc hay thuốc Đông y đã tồn tại suốt hơn nửa thế kỷ.

Một hai ngày có vẻ như chẳng bao giờ là đủ với những chuyến đi lang thang quanh phố Jonker, không phải vì nơi này có quá nhiều tiện ích hay thú vui hấp dẫn, mà là do nhịp sống thanh bình như tách biệt hẳn với thế giới hiện đại ngoài kia đã khiến bao người “nghiện” và phải lòng Melaka một cách rất tự nhiên. 

Một ngày ở Melaka bắt đầu bằng tiếng chuông cầu nguyện từ một thánh đường Hồi giáo nho nhỏ nào đó, tiếp đến là một cốc teh tarik - món trà sữa truyền thống của Malaysia và Singapore, được mệnh danh là “cà phê sáng của người Mã Lai” - và bánh mì nướng kaya thơm lừng cho bữa sáng.

Sau đó, thuê một chiếc xe đạp và nhấn pê-đan chậm thật chậm quanh phố cổ, mua một cốc chè chendol mát lạnh hay kem chiên, ghé một cửa hiệu trà cổ kính ven đường mua về làm quà cho bạn bè, người thân. 

Cũng nhờ lần lang thang vô định ở Jonker những năm tháng tuổi trẻ ấy mà tôi được gặp ông Koh Beng Jin - chủ hiệu trà gia truyền Koh Beng Huat lâu đời và nổi tiếng nhất ở Melaka.

Koh Beng Jin là một người đàn ông có gương mặt rất đỗi hiền hậu, phong thái nhàn nhã, thanh tao đúng chất một người thưởng trà sành sõi, lại có thể giao tiếp bằng tiếng Anh khá lưu loát. Gia đình ông vốn là người Trung Quốc, đến Malaysia định cư và sáng lập ra hiệu trà này hơn 80 năm nay. Ông còn một người chị nữa, nhưng ông mới là người kế nghiệp sản xuất trà. 

Cũng như những khu phố cổ hay làng nghề truyền thống khác trên thế giới, chính phủ Malaysia cũng có những chính sách nhằm khuyến khích và duy trì những giá trị văn hóa lâu đời, Melaka cũng như hiệu trà Koh Beng Huat nằm trong số đó.

“Thế thì quá tuyệt, còn gì phải lo nữa đâu ông nhỉ?” - tôi nói. Ông Jin chỉ cười nhẹ rồi nhìn xa xăm, bởi vấn đề này còn phụ thuộc vào yếu tố chủ quan khi các con ông có vẻ như đã gieo những ước mơ chốn đô thị - như bao thanh thiếu niên khác ở Melaka này.

Vậy lần tiếp theo tôi trở lại đây, liệu có còn thấy hiệu trà Koh Beung Huat? Không chỉ hiệu trà này mà còn cả Melaka nữa, liệu những giá trị cổ truyền đáng lưu giữ này rồi có biến mất vì tốc độ hiện đại hóa quá nhanh, thu hút lao động trẻ về các trung tâm kinh tế mà bỏ quên chúng? 

Và rồi tôi chỉ biết gói ghém những băn khoăn ấy, cùng những túi trà Koh Beng Huat trứ danh ra về bởi chỉ thời gian mới có thể trả lời. Một giấc mơ chập chờn trên chuyến bay trở về Việt Nam vẫn còn ánh mắt nhìn xa xăm của ông già hiệu trà, của một Melaka cổ kính đa văn hóa… 

Vĩnh Trinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI